Nghệ sĩ khiếm thị Nguyễn Ðức Ðạt: ‘Ly nước đầy một nửa’

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Tôi gặp Nguyễn Ðức Ðạt lần đầu tiên trong buổi tiệc trao giải Sóng Vàng 2009 của Little Saigon Radio. Hình ảnh người nghệ sĩ khiếm thị nhỏ nhắn, tay ôm đàn guitar, miệng nói liếng thoắng “làm ơn mở đèn sáng hơn một chút” khiến mọi người bật cười và giọng hát khỏe khoắn của Ðạt cùng ca sĩ Thành Lễ trong bài “Nếu có yêu tôi” khi đó là một ấn tượng đẹp trong tôi.

Nhờ sự giới thiệu của nghệ sĩ violin Luân Vũ, tôi đã có cuộc chuyện trò cùng Nguyễn Ðức Ðạt ngay trước ngày anh xuất hiện cùng nhóm The Friends trong chương trình “Mùa Ði Ngang Phố” diễn ra vào Thứ Bảy và Chủ Nhật, 24, 25 Tháng Mười, 2009 tại Hội trường Việt Báo, 14841 Moran St., Westminster, CA 92683.


Nghệ sĩ guitar Nguyễn Ðức Ðạt khi trình bày ca khúc “Nếu có yêu tôi” trong lễ trao giải Sóng Vàng 2009. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Cơ duyên đến với âm nhạc

Tôi muốn câu chuyện bắt đầu từ những năm tháng tuổi thơ đầy bất hạnh của Ðạt nhưng dường như anh không muốn nói nhiều về điều đó. Ðiều anh luôn sẵn sàng chia sẻ và cảm giác như anh sẽ kể hoài không chán là những câu chuyện xoay quanh cuộc sống với âm nhạc.

Nguyễn Ðức Ðạt sinh năm 1970 ở Việt Nam, bị khiếm thị từ lúc mới chào đời và trở thành trẻ mồ côi khi được 5 tuổi.

Sau khi mẹ mất, do “hoàn cảnh đặc biệt nên Ðạt không sống ở một chỗ mà rày đây mai đó, sống nhờ vào sự giúp đỡ của những người bà con, người quen biết của gia đình,” Ðạt kể vắn tắt về tuổi thơ mình như thế.

Năm 1978, khi dời về Sài Gòn sinh sống cũng là lúc cơ duyên Nguyễn Ðức Ðạt đến với âm nhạc bắt đầu chớm nở. Khi đó, Ðạt sống gần một chỗ người ta sửa radio-TV. Người chủ tiệm thích mở những bài nhạc Pháp, loại ‘pop music’ của thời thập niên 70, cả những bản nhạc Việt Nam trước năm 75 để nghe. “Ðạt thích qua tiệm sửa radio để chơi, để nghe. Rồi niềm đam mê với âm nhạc đến lúc nào chẳng hay.”

Một điều trùng hợp nữa là khi đó, gần nơi Ðạt ở cũng có một tiệm hớt tóc chuyên mở những bản một nhạc như vậy. Thế là Ðạt lại có thêm một chốn ‘rong chơi.’

Một trong những người khách đến hớt tóc đã nhìn ra ở cậu bé khiếm thị này một năng khiếu thiên bẩm về nhạc khi trong thấy tay cậu gõ nhịp rất đúng theo những bản nhạc được phát ra. Người khách đã nhận Ðạt về làm đệ tử và dạy Ðạt đánh trống! Năm đó Ðạt được 8 tuổi.

Nghệ sĩ guitar Nguyễn Ðức Ðạt và violin Luân Vũ đang song tấu tại nhật báo Người Việt hôm Thứ Năm, 22 Tháng Mười, 2009. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Tiếng đàn đánh thức những khát khao

“Ký ức của Ðạt đối với giây phút đầu tiên được cầm đến các loại nhạc cụ rất quan trọng. Ðó là một cảm giác vui mãnh liệt, lại thêm cảm giác tò mò thích thú nên cứ thử cái này thử cái kia, gõ nghe âm thanh này như thế nào, tiếng lớn lên rồi nhỏ dần ra sao. Ðạt không thể ngờ là một loại nhạc cụ có thể làm nên những âm thanh lạ đến như vậy.”

Người thầy đầu tiên đã dạy và đưa Ðạt đi đánh trống trong các đám cưới ở vùng quê vào những lúc rảnh rỗi để kiếm thêm tiền sinh sống.

Trống là loại nhạc cụ đầu tiên mà Ðạt được học và có thể kiếm sống bằng nó, nhưng hiện tại, nhắc đến tên Nguyễn Ðức Ðạt người ta lại hầu như chỉ biết đó là một nghệ sĩ guitar flamenco độc đáo. Ðạt kể tiếp, “Từ nhỏ, khi nghe tiếng đàn guitar điện Ðạt cũng đã rất thích, nhất là nghe những bản nhạc rock. Nhưng đến khi nghe được tiếng đàn guitar Tây Ban Nha qua cassette của một người bạn thì lúc đó thực sự như một cánh cửa mới đã mở ra cho mình. Cảm giác thật tuyệt vời. Ôi bao nhiêu tương lai mịt mù có thể mở sáng từ đây.”

Nghe giọng nói Nguyễn Ðức Ðạt hồi tưởng lại giây phút đầu tiên được nghe tiếng đàn tây ban cầm, tôi có cảm tưởng như bắt gặp cảm giác của một người lâu nay sống trong bóng tối, bỗng một sớm mai lên nhìn thấy ánh bình minh trước mặt. Một cảm giác sững sờ đến đê mê.

Khi đó Ðạt được 13 tuổi.

Ðam mê với guitar như vậy nhưng phải đến hai năm sau Ðạt mới để dành đủ tiền để mua cho riêng mình một chiếc đàn guitar rẻ tiền. Ðạt kể, “Ðêm tối trước ngày được dẫn đi mua đàn, Ðạt không ngủ được, chỉ mong sao cho trời mau sáng. Ðang thiu thiu ngủ Ðạt lại giật mình không biết trời đã sáng chưa. Cảm giác kỳ lạ lắm.”

Người ta vẫn luôn nói mỗi người được sinh ra đều có một ngôi sao chiếu mạng của riêng mình. Nguyễn Ðức Ðạt “cảm giác như mình sinh ra là để học đàn guitar” nên khi cầm được cây đàn trong tay, Ðạt đã học và hiểu rất nhanh về loại nhạc cụ này.


Nắm bắt cơ hội

Có năng khiếu thiên bẩm về guitar, nhưng để học được nó không phải là Ðạt không gặp những khó khăn. Bởi đó là giai đoạn Việt Nam vẫn còn là cánh cửa đóng kín với thế giới bên ngoài nên “rất khó trong việc tìm ra sách vở để học những bài guitar” và “những bản nhạc Ðạt có được đều là bản copy từ những cuốn sách rất cũ.” Thêm vào đó, “điều kiện học đàn cũng khó, nhà đông người, lại phải đi đánh trống kiếm sống, nên việc tập đàn cũng rất cực. Nhưng mà cũng phải ráng thôi,” Ðạt cười kể lại thời gian đầu làm quen với loại nhạc cụ giúp anh có được chỗ đứng hôm nay.

Năm 1991 Nguyễn Ðức Ðạt sang Mỹ. Một cuộc đời mới đã thực sự mở ra.

“Qua là đi học ngay, mặc dù lúc đó đã ngoài 20 nhưng trường high school vẫn nhận Ðạt vô. Ðạt nghĩ mình hên ở chỗ đó, một học sinh lớn nhất trường, già nhất trường,” anh tiếp tục câu chuyện của mình. “Lúc vô Ðạt học lớp 9, nhưng chỉ khoảng 3 tháng sau thì cũng đã bắt kịp trình độ mọi người.”

Trường trung học khi đó không có môn chuyên về guitar, nhưng có một ông thầy biết guitar và biết Ðạt thích học đàn guitar nên ông đã dạy cho Ðạt đàn vào mỗi chiều Thứ Sáu.

Dù không được học nhạc chính qui nhưng từ năm 1991 đến 1993 Ðạt vẫn tiếp tục tự tập luyện ở nhà và tự nghiên cứu theo những gì mình biết. Chính điều này đã hỗ trợ giúp đỡ cho Ðạt rất nhiều khi vào college.

Năm 1993, khi còn đang học trung học, Ðạt đã giành được giải thưởng trong cuộc thi Disney Creativity Challenge. Cuối năm đó, Ðạt vào trường California State University, Fullerton chuyên ngành trình diễn guitar cổ điển dưới sự hướng dẫn của David Grimes. Khi đó, như Ðạt nói “Ðạt đã thực sự gặp sư phụ đúng nghĩa.” Thế là chỉ trong vào một năm dưới sự hướng dẫn của thầy, “Ðạt đã bắt kịp bạn bè ở mỗi trình độ.”

Năm 1994, Nguyễn Ðức Ðạt thắng giải trong cuộc thi The Southern California ASTA Solo Guitar Competition và thắng luôn giải nhất tại at the Califonia state finals.

Năm 1995, sau bài báo giới thiệu về Nguyễn Ðức Ðạt trên báo Orange County Register, cuộc đời Nguyễn Ðức Ðạt lại bước sang một bước ngoặc mới với nhiều cuộc biểu diễn ở nhiều nơi.

Tháng Năm năm 1999, Nguyễn Ðức Ðạt tốt nghiệp đại học Cal State Fullerton với bằng cử nhân về Classical Guitar Performance (trình diễn guitar cổ điển).


Hiện tại và tương lai

Nói về hiện tại của mình, Nguyễn Ðức Ðạt cho biết anh vẫn đang “tham gia vào những dự án âm nhạc của các nghệ sĩ Việt Nam, của hải ngoại, ai cần thu âm thì đi thâu.” Ngoài ra Ðạt cũng có những show trình diễn riêng do nhiều người tổ chức cho Ðạt, “đó là những chương trình nghiêng về văn hóa âm nhạc hơn là về thương mại.”

Năm 2006, Nguyễn Ðức Ðạt cho ra đời CD đầu tiên gồm những bản guitar hòa tấu của chính anh.

Năm 2008, CD thứ hai, “Gã Ðiên Trên Ðồi Hoang,” gồm những ca khúc được trình tấu với guitar cũng do chính Ðạt sáng tác được đón nhận nồng nhiệt.

Ngoài ra Nguyễn Ðức Ðạt còn tham gia vào những chương trình biểu diễn guitar cổ điển do người bản xứ tổ chức ở những trường đại học, những sân khấu lớn, chơi trong những chương trình nhạc rock của Mỹ.

“Buổi nhạc sắp tới với The Friends, ngoài việc phụ họa cùng ban nhạc The Friends, Ðạt cũng sẽ trình diễn những tiết mục của riêng mình, nhưng chưa được phép bật mí,” Ðạt nói.

“Nói một cách ngắn gọn cảm nhận của Ðạt về cuộc sống hiện tại của mình?” tôi hỏi. Ðạt trả lời, “Người ta hay nói thế này ‘nếu mình thấy thiếu thì bao nhiêu cũng thấy thiếu, còn thấy đủ thì như thế nào cũng đủ.’ Vậy thì tinh thần của Ðạt trong cuộc sống hiện tại là ‘Ly nước đầy một nửa.’”

Chính vì thế, mặc dù có những hoài bão, ấp ủ nhiều ước mơ cho tương lai, như làm những chương trình từ thiện, chương trình dạy học truyền nghề lại cho thế hệ sau, studio riêng cho chính mình... đến giờ vẫn chưa làm được. “Nhưng không sao, mình có sức tới đâu thì mình làm tới đó thôi. Tinh thần của mình cảm thấy rất lạc quan với cuộc sống của mình hiện nay. Mình cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn những người khác rất nhiều.”

Vâng, “ly nước đầy một nửa” và “ly nước thiếu một nửa” chính là thái độ của một người đối với cuộc sống, half-full or half-emty.

Và tôi hiểu: Nguyễn Ðức Ðạt lạc quan biết bao về cuộc sống này.