Thành viên có mặt 
 Khách: 002
 Thành viên: 000
 Tổng cộng 002
 Hits 002161093
 Lịch 
Tháng Ba 2024
T2T3T4T5T6T7CN
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31
 <  > 
 Tin Tức Mới Nhất 
Thi lên đai và lễ giỗ cố võ sư Chưởng Môn Lê Sáng tại Raleigh
Lễ giổ Cố Võ Sư Chưởng Môn Lê Sáng tại San Jose
Quyết tâm, Cố gắng và Đều đặn...3 yếu tố căn bản cho người môn sinh.
Bài Văn Thi Hoàng Đai : Phan Vương Hải Âu
Luận Văn của MS. Bùi Minh Hải - Vovinam Raleigh
Thư Cảm Tạ Chung - Giải Thi Đấu và Hội Diễn Vovinam Hải Ngoại
Tường Trình Khóa Thi Lên Đai tháng 7 năm 2016
Bản tin the 16th Overseas Vovinam Tournament 2016
Sự Hình Thành căn nhà Vovinam và sân tập - Vovinam House & Garden
Thư Mời - The 16th Overseas Vovinam tournament 2016
Tiểu Luận Võ Học - VS Trần Minh Hoàng
Thầy trò tôi 30 năm !
Văn - NHỚ VỀ MỘT NGƯỜI BẠN
Bản tin Tang Lễ Cố VS Trung Trưc - Trang Phước Đức
Thơ viết cho Vs Trang Phước Đức
 
VOVINAM VIET VO DAO Fri - 03/29/2024 09:47
Chương Trình Võ Đạo mới!
Sat - 04/18/2009 16:54

MÔN PHÁI VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO

KHẢO HẠCH LÝ THUYẾT VÕ ĐẠO

PHẦN MỘT : TRÌNH ĐỘ TỰ VỆ VIỆT VÕ ĐẠO THI THĂNG CẤP LAM ĐAI


I-. MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM

1. Việt võ đạo sinh nguyện đạt tới cao độ của nghệ thuật để phục vụ dân tộc và nhân loại.
2. Việt võ đạo sinh nguyện trung kiên phát huy môn phái, xây dựng thế hệ thanh niên dấn thân hiến ích.
3. Việt võ đạo sinh đồng tâm nhất trí, tôn kính người trên, thương mến đồng đạo.
4. Việt võ đạo sinh tuyệt đối tôn trọng kỷ luật, nêu cao danh dự võ sĩ.
5. Việt võ đạo sinh tôn trọng các võ phái khác, chỉ dùng võ để tự vệ và bênh vực lẽ phải.
6. Việt võ đạo sinh chuyên cần học tập, rèn luyện tinh thần, trao dồi đạo hạnh.
7. Việt võ đạo sinh sống trong sạch, giản dị, trung thực và cao thượng.
8. Việt võ đạo sinh kiện toàn một ý chí đanh thép, nỗ lực tự thân cầu tiến.
9. Việt võ đạo sinh sáng suốt nhận định, bền gan tranh đấu, tháo vát hành động.
10. Việt võ đạo sinh tự tín, tự thắng, khiêm cung, độ lượng, luôn luôn kiểm điểm để tiến bộ.

II-.KIẾN THỨC VIỆT VÕ ĐẠO

1. Hỏi: - Vovinam là gì ?

Đáp: - Vovinam là từ quốc tế hóa của từ võ thuật - võ đạo Việt Nam.
Về nội dung Vovinam có hai phần :
- Võ thuật Việt Nam (Việt võ thuật)
- Võ đạo Việt Nam (Việt võ đạo).
Vovinam là gốc rể, cội nguồn, còn Việt võ đạo là hoa trái của Vovinam sau quá trình mấy chục năm phát triển.

2. Hỏi: - Khi Nghiêm lễ Việt võ đạo sinh đặt bàn tay phải lên trái tim với ý nghĩa gì?

Đáp: - Khi Nghiêm lễ Việt võ đạo sinh đặt bàn tay lên trái tim có ý nghĩa bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái, đức dũng đi đôi với lòng nhân, Võ thuật gắn liền với Võ đạo. Việt võ đạo sinh chỉ được dũng võ để cảnh cáo, cảm hóa người, chứ không phải để trừng phạt, trả thù người.

3. Hỏi: - Có mấy điều sơ khởi cần ghi nhớ về kỷ luật võ đường (câu lạc bộ) ?

Đáp: - Việt võ đạo sinh cần ghi nhớ ba điều sơ khởi sau đây về kỷ luật võ đường :
a) Đi tập đều đặn đúng giờ. Đến trể phải báo lý do. Nghỉ tập phải xin phép.
b) Trong giờ tập phải chăm chỉ luyện tập, hòa nhã và giúp đỡ bạn bè.
c) Gặp người trên phải chào theo lối “Nghiêm lễ”. Khi đến Võ đường và trước khi ra về phải chào di ảnh cố võ sư Sáng tổ môn phái.
*********************************************************************
PHẦN HAI : TRÌNH ĐỘ LAM ĐAI THI THĂNG LAM ĐAI I CẤP

1. Hỏi: - Quan niệm thông thường của người tập võ ra sao? Việt võ đạo sinh tập võ để làm gì?

Đáp: - Quan niệm thông thường của người tập võ là để tự vệ. Việt võ đạo sinh tập võ cho thân thể khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn, tâm hồn cao thượng để học tập, lao động, bảo vệ sự sống, đấu tranh cho lẽ phải và phục vụ Tổ quốc.

2. Hỏi: - Quan niệm dụng võ của Việt võ đạo ra sao?
Đáp: - Quan niệm dụng võ của Việt võ đạo có 4 điểm :
a) Không thượng đài,
b) Không gây lộn, không thử võ với mọi người,
c) Để tự vệ,
d) Đấu tranh cho lẽ phải.

3. Hỏi: - Việt võ đạo sinh được phép dùng võ trong trường hợp nào?

Đáp: - Việt võ đạo sinh chỉ dùng võ khi danh dự bị xúc phạm, quyền sống bị đe dọa và bênh vực lẽ phải.

4. Hỏi: - Võ sinh và môn sinh khác nhau thế nào?
Đáp: - Võ sinh là người mới tập võ, chưa làm lễ Nhập môn. Môn sinh là những người đã qua một thời gian rèn luyện võ thuật (6 tháng) đã làm lễ Nhập môn, đang tiến dần vào con đường võ đạo.

5. Hỏi: - Trong đại gia đình Việt võ đạo, các môn đồ đối xử nhau ra sao?

Đáp: - Trong đại gia đình Việt võ đạo, các môn đồ phải thương yêu, kính trọng, nhường nhịn và giúp đỡ lẫn nhau. Các môn đồ đoàn kết chặt chẽ nêu cao danh dự môn phái và phấn đấu tu dưỡng liên tục để trở thành con người toàn diện.

6. Hỏi: - Việt võ đạo có mấy màu đai?
Đáp: - Việt võ đạo có năm (5) màu đai : Xanh, đen, vàng, đỏ, trắng.

7. Hỏi: - Hãy trình bày hệ thống đẳng cấp hiện nay của Việt võ đạo?

Đáp: - a) Tự vệ Việt võ đạo : đai màu áo, thời gian luyện tập 3 (ba) tháng. Nhập môn Việt võ đạo : đai xanh dương đậm, thời gian luyện tập 3 (ba) tháng.
b) Lam đai : Đai xanh dương đậm có gạch vàng, ba cấp, mỗi cấp luyện tập 6 (sáu) tháng.
c) Huyền đai : Đai đen, một cấp, thời gian luyện tập 1 (một) năm.
d) Hoàng đai : Đai vàng có gạch đỏ, ba cấp, mỗi cấp luyện tập 2-3 (hai đến ba) năm.
e) Chuẩn hồng đai : Đai đỏ có hai viền vàng, một cấp, luyện tập 4 (bốn) năm.
f) Hồng đai : Đai đỏ có vạch trắng, sáu cấp, mỗi cấp luyện tập 5 (năm) năm.
g) Bạch đai : Đai trắng có 4 chỉ tứ sắc xanh, đen, vàng, đỏ, một cấp, thời gian luyện tập: Vô định. Đây là đai cao nhất danh riêng cho võ sư Chưởng môn môn phái.

8. Hỏi: - Hãy cho biết danh tính, ngày sinh, nơi sinh, ngày qua đời, nơi qua đời của cố võ sư Sáng tổ môn phái Vovinam - Việt võ đạo?

Đáp: - Cố võ sư Sáng tổ môn phái Vovinam - Việt võ đạo tên là Nguyễn Lộc. Ông sinh ngày mồng 8 tháng tư năm Nhâm Tý (1912) tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc tỉnh Hà Tây) và qua đời ngày mồng 4 tháng tư năm Nhâm Tý (1960) tại Saigòn (nay là TP. Hồ Chí Minh).

9. Hỏi: - Cố võ sư Sáng tổ hoàn thành việc nghiên cứu Vovinam năm nào? Cuộc biểu diễn Vovinam đầu tiên được tổ chức tại đâu?
Đáp: - Cố võ sư Sáng tổ hoàn thành việc nghiên cứu Vovinam năm 1938 và cuộc biểu diễn Vovinam đầu tiên được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào mùa thu năm 1939.

10. Hỏi: - Lớp dạy Vovinam công khai đầu tiên được tổ chức tại đâu? Năm nào?
Đáp: - Lớp dạy Vovinam công khai đầu tiên được khai giảng vào mùa xuân năm 1940 tại trường Sư Phạm (École Normal) đường Cửa Bắc, Hà Nội.

11. Hỏi: - Hãy cho biết danh tánh võ sư Chưởng môn hiện nay của môn phái Vovinam - Việt võ đạo? Ông sinh năm nào? Tại đâu?
Đáp: - Hiện nay, võ sư Lê Sáng là Chưởng môn của môn phái Vovinam - Việt võ đạo. Ông sinh vào mùa thu năm 1920 tại Hà Nội.

12. Hỏi: - Hiện nay Vovinam - Việt võ đạo đang phát triển như thế nào?
Đáp: - Hiện nay Vovinam - Việt võ đạo đang phát triển mạnh trong nước và được truyền bá sang gần 40 quốc gia trên thế giới.
*****************************************************************
 
PHẦN BA : TRÌNH ĐỘ LAM ĐAI NHẤT CẤP THI THĂNG LAM ĐAI II CẤP


1.Hỏi: - Ý nghĩa các màu đai của Vovinam - Việt võ đạo?
Đáp: a) Xanh : Biểu thị màu hy vọng, với ý nghĩa người võ sinh bắt đầu luyện tập võ thuật và tu dưỡng tinh thần võ đạo.
b) Đen : Biểu thị màu nước, với ý nghĩa võ thuật và võ đạo đã bắt đầu chuyển vào bản thể, tạo nền tảng cho căn cơ tu dưỡng của người môn sinh Việt võ đạo.
c) Vàng : Biểu thị màu đất (màu da), với ý nghĩa võ thuật và võ đạo đã thấm vào da thịt trở thành bản thể vững chắc của người môn sinh Việt võ đạo.
d) Đỏ : Biểu thị màu lửa (màu máu), với ý nghĩa võ thuật và võ đạo đã thấm vào máu, tỏa sáng hướng đi của người môn sinh Việt võ đạo.
e) Trắng : Biểu thị màu tinh khiết (màu xương tủy), chân tịnh, với ý nghĩa võ thuật và võ đạo đã thấm sâu vào xương tủy, đạt đến độ cao siêu vô hạn của người tượng trung cho tinh hoa môn phái.

2. Hỏi: - Hãy giải thích ý nghĩa phù hiệu và kỳ hiệu Việt võ đạo?
Đáp: - a) Về màu sắc : Phù hiệu và kỳ hiệu Việt võ đạo có 4 (bốn) màu :
- Xanh : Trỏ âm tố, tượng trưng cho biển cả và hy vọng,
- Đỏ : Trỏ dương tố, tượng trưng cho lửa sống, sự đấu tranh hào hùng và kiên quyết,
- Vàng : Màu vinh quang hiển hách,
- Trắng : Màu của thanh khiết chân tịnh, cao cả và thâm viễn tuyệt vời.
b) Về hình nét :
- Phù hiệu: Nền vàng, nửa trên vuông, nửa dưới hình tròn ghép lại tượng trưng cho ngưyên lý Cương Nhu phối triển của Việt võ đạo biểu thị cho sự toàn chân, toàn thiện.
- Chung cho cả kỳ hiệu : Vòng tròn nhỏ xanh đỏ ở trong biểu thị cho âm và dương, vạch s màu trắng ở giữa bao hàm ý nghĩa tương thôi, tương giao, tương sinh và thường dịch trong vũ trụ. Vòng tròn lớn bao quanh vòng tròn nhỏ màu trắng biểu tượng cho Đạo thể với sứ vụ phối hợp điều hòa, khắc chế, bao dung. Bản đồ màu vàng là hình thể bản đồ Việt Nam, biểu thị nguồn gốc xuất phát của môn phái Vovinam - Việt võ đạo.
c) Kích thước kỳ hiệu :
- Nền vàng, chiều ngang bằng 3/5 chiều dài.
- Vòng âm, dương, đạo bằng 1/3 chiều ngang.

3. Hỏi: - Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ nhất của Việt võ đạo sinh?
Đáp: - Điều tâm niệm thứ nhứt nói về hoài bảo và mục đích học võ của Việt võ đạo sinh, đó là đạt tới cao độ của nghệ thuật để phục vụ dân tộc và nhân loại.

4. Hỏi: - Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ hai?

Đáp: - Điều thứ hai nói về nghĩa vụ của Việt võ đạo sinh đối với môn phái và dân tộc, đó là trung kiên phát huy môn phái và xây dựng thế hệ thanh niên dấn thân hiến ích.

5. Hỏi: - Muốn phát huy môn phái, Việt võ đạo sinh phải làm gì?
Đáp: - Muốn phát huy môn phái, Việt võ đạo sinh cần phải:
a) Dày công khổ luyện để trở thành võ sư , huấn luyện viên trực tiếp truyền bá võ thuật và võ đạo cho quần chúng,
b) Thực tập tinh thần Việt võ đạo trong đời sống hàng ngày, nghĩa là :
- Trong gia đình: Là người cha từ, con hiếu, anh hiền, em thảo,
- Với bạn bè: Giữ tín nghĩa,
- Với xã hội : Là người công dân tốt.

6. Hỏi: - Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ ba?
Đáp: - Điều thứ ba nói về tình đoàn kết trong môn phái. Muốn có đoàn kết, Việt võ đạo sinh phải đồng tâm nhất trí, đối với người trên phải tôn kính, đối với đồng đạo phải thành thực thương mến nhau.

7. Hỏi: - Tại sao tình đoàn kết được đề cập đến trước nhất trong một đoàn thể?

Đáp: - Tình đoàn kết được đề cập đến trước nhất trong một đoàn thể vì nó là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định sự hùng mạnh hoặc tan rả của một đoàn thể.

8. Hỏi: - Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ tư ?
Đáp: Điều thứ tư nói về võ kỷ và danh dự võ sĩ, đó là tuyệt đối tôn trọng kỷ luật môn phái và luôn luôn nêu cao danh dự võ sĩ.

9. Hỏi: - Kỷ luật Việt võ đạo là kỷ luật gì?

Đáp: - Kỷ luật Việt võ đạo là kỹ luật tự giác, nghĩa là tự mình hiểu và tôn trọng kỷ luật, trông gương người mà thực hiện. Người trên muốn hướng dẫn người dưới điều gì thì người trên phải làm gương trước, tuy nhiên đã trông gương người trên, đã nhắc nhở rồi mà người dưới không tuân hành thì phải chịu hình thức kỷ luật hoặc đào thải.

10. Hỏi: - Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ năm?

Đáp: - Điều thứ năm nói về ý thức dụng võ của Việt võ đạo sinh là luôn tôn trọng các võ phái khác, chỉ dùng võ để tự vệ và bênh vực lẽ phải.
*********************************************************************
PHẦN BỐN : TRÌNH ĐỘ LAM ĐAI NHỊ CẤP THI THĂNG LAM ĐAI III CẤP

1. Hỏi: - Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ sáu?
Đáp: - Điều thứ sáu nói về ý hướng và đời sống tinh thần của Việt võ đạo sinh là phải chuyên cần học tập (võ thuật, võ đạo, văn hóa, nghề nghiệp…) rèn luyện tinh thần và trao dồi đạo hạnh.

2. Hỏi: - Muốn thực hiện chuyên cần học tập Việt võ đạo sinh phải làm gì?
Đáp: - Muốn thực hiện chuyên cần học tập, Việt võ đạo sinh phải :
a) Học cho rộng (võ thuật, võ đạo, văn hóa, nghề nghiệp, lý thuyết, thực hành…),
b) Hỏi cho kỷ (cầu thị, không hiểu thì hỏi, không tự ái, chán nản),
c) Nghĩ cẩn thận (nghiền ngẩm những điều đã học và làm),
d) Luận cho sáng (so sánh, phân tích, tổng hợp, biện luận và phản luận).

3. Hỏi: - Muốn rèn luyện tinh thần, Việt võ đạo sinh phải làm gì?
Đáp: - Muốn rèn luyện tinh thần, Việt võ đạo sinh phải:
- Sống khỏe : Thân thể khỏe mạnh, tư tưởng trong sáng,
- Đức độ : Luôn luôn bao dung, điều hòa, khắc chế bản thân và tha nhân (người khác) để cùng tiến bộ,
- Cương trực : Cương quyết và thẳng thắn,
- Trầm tĩnh : Điềm đạm, bình tỉnh để tránh những trường hợp xốc nổi, nóng vội,
- Tháo vát : Lanh lợi, quyền biến để có thể ứng phó được với mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp bất ngờ.

4. Hỏi: - Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ bảy?
Đáp: - Điều thứ bảy nói về tâm nguyện sống của Việt võ đạo sinh. Đó là sống trong sạch, giản dị, trung thực và cao thượng.

5. Hỏi: - Bạn hiểu nếp sống giản dị của Việt võ đạo sinh như thế nào?
Đáp: - Sống giản dị là không đua đòi, sống phú hợp với hoàn cảnh kinh tế của bản thân và xã hội. Có điều kiện thì hưởng những tiện nghi tốt đẹp, không có điều kiện thì không đòi hỏi, hạch sách gây phiền toái khó chịu cho mọi người.

6. Hỏi: - Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ tám?
Đáp: - Điều thứ tám nói về ý chí của Việt võ đạo sinh. Việt võ đạo sinh phải rèn luyện cho bản thân một ý chí đanh thép, thích nghi với mọi thử thách gian nguy và nỗ lực tự thân cầu tiến.

7. Hỏi: - Muốn kiện toàn ý chí đanh thép Việt võ đạo sinh phải làm như thế nào?
Đáp: - Muốn kiện toàn ý chí đanh thép Việt võ đạo sinh phải:
- Nghiên cứu kỷ lưỡng, cân nhắc các sự kiện đã thu lượm trước khi quyết định,
- Thực hiện cho bằng được quyết định của mình với tất cả năng lực nhiệt tình và cương quyết khi bắt tay vào việc.

8. Hỏi: - Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ chín?
Đáp: - Điều thứ chín nói về suy cảm, nghị lực và tính thực tế của Việt võ đạo sinh là phải sáng suốt khi nhận định, bền gan khi tranh đấu và tháo vát khi hành động.

9. Hỏi: - Tại sao cần phải sáng suốt nhận định?

Đáp: - Việt võ đạo sinh cần sáng suốt nhận định để phân biệt phải trái, đúng sai, tình lý, bề mặt, bề trái, các khúc mắc của sự việc, ngõ hầu xử sự cho hợp thời, đúng lúc.

10. Hỏi: - Thế nào là bền gan tranh đấu?

Đáp: - Bền gan tranh đấu là có một ý chí và nghị lực sung mãn, thất bại không nản lòng, không chịu khuất phục trước sức mạnh, giải quyết các khó khăn một cách bền bỉ, dẻo dai.

11. Hỏi: - Thế nào là tháo vát hành động?
Đáp: - Hành động tháo vát là hành động chủ động, thông minh, sáng tạo, thích ứng với mọi hoàn cảnh, hợp tình hợp lý với mọi trường hợp.

12. Hỏi: - Hãy nêu ý nghĩa và giải thích đại cương điều tâm niệm thứ mười?
Đáp: - Điều thứ mười nói về đức sống và tinh thần cầu tiến của Việt võ đạo sinh. Đối với bản thân, Việt võ đạo sinh phải tự tín, tự thắng, luôn luôn tự kiểm để tiến bộ. Đối với người phải khiêm cung độ lượng.

13. Hỏi: - Thế nào là tự tín, tự thắng và khiêm cung độ lượng?
Đáp: - Tự tín : Tin ở năg lực phẩm chất đạo đức và ý chí của bản thân biết phát huy cái tốt đẹp của bản thân để tiến bộ,
- Tự thắng : Thắng được mình, tự sửa chữa những thói hư, tật xấu, những vị kỷ yếu đuối của bản thân,
- Khiêm cung : Khiêm nhường và cung kính với người trên hay người cao tuổi hơn mình,
- Độ lượng : Rộng lượng với người dưới hay người nhỏ tuổi hơn mình.

14. Hỏi: - Việt võ đạo sinh nhìn lại bước đã qua với thái độ như thế nào?

Đáp: - Việt võ đạo sinh nhìn lại bước đã qua bằng thái độ luôn luôn tự kiểm điểm những ưu khuyết điểm hầu rút ra các bài học kinh nghiệm để tiến bộ chứ không phải nhìn lại những bước đã qua bằng đôi mắt kiêu ngạo, tự đắc, tự mãn trước thành công hoặc than van trách móc trước thất bại đổ vỡ.

*******************************************************************
PHẦN NĂM : TRÌNH ĐỘ LAM ĐAI III CẤP THI LÊN HUYỀN ĐAI

1. Hỏi: - Võ thuật là gì?

Đáp: - Võ thuật là kỹ thuật dùng sức (đòn, thế, vũ khí…) để ứng chiến với người và vật.
- Dùng sức bằng kỹ thuật sử dụng tay là quyền thuật.
- Dùng sức bằng kỹ thuật sử dụng chân là cước thuật.
- Dùng sức bằng kỹ thuật sử dụng đao, kiếm…là đao thuật, kiếm thuật…
Cố nhân thường nói “ Thập bát ban võ nghệ” là chỉ sử dụng nhiều thứ vũ khí khác nhau.

2. Hỏi: - Võ đạo là gì?

Đáp: - Võ đạo là đường lối, hệ thống tư tưởng rõ rệt của một môn phái hướng dẫn quan niệm sống cho người học võ.

3. Hỏi: - Một trường dạy võ thuật khác với một trường dạy võ đạo ra sao?

Đáp: - Một trường dạy võ thuật hướng dẫn người học võ kỹ thuật dùng sức để ứng chiến với người và vật.
Một trường dạy võ đạo, ngoài phần hướng dẫn người học võ kỹ thuật dùng sức, còn trao dồi cho họ một quan niệm sống đúng đắn để cho mọi người kính trọng và thành công trong đời sống.

4. Hỏi: - Một môn phái võ thuật muốn đi đến võ đạo phải có những điều kiện gì?

Đáp: - Một môn phái võ thuật muốn đi đến võ đạo phải có:
- Một tinh thần dân tộc đầy đủ,
- Một ý thức võ học vững vàng,
- Một hệ thống võ thuật toàn diện,
- Một phương pháp giảng dạy hữu hiệu,
- Một thời gian nhất định quãng bá võ thuật.
-
5. Hỏi: - Vào thời nào nền võ đạo của dân tộc Việt Nam gần hình thành qua việc thành lập Giảng võ đường?

Đáp: - Năm 1253 đời nhà Trần, Giảng võ đường được thành lập song song với Quốc học viện, lúc đó nền võ đạo dân tộc gần hình thành.

6. Hỏi: - Thế nào là tính tộc truyền và bí truyền?

Đáp: - Tộc truyền là chỉ dạy võ trong phạm vi thu hẹp gồm những người trong dòng họ và một vài môn đệ tâm huyết, không truyền bá rộng rải.
- Bí truyền làvị võ sư thời xưa dù tương đắc với học trò đến thế nào bao giờ cũng giữ lại một vài thế võ độc đáo để đề phòng những trường hợp “trò phản thầy”. Việc giảng dạy có tính chất tình cảm và tùy hứng không hình thành một chương trình huấn luyện qui mô, rõ rệt. Do đó, các môn võ, thế võ độc đáo mai một theo thời gian, không phát triển được.

7. Hỏi: - Từ Vovinam tới Việt võ đạo khác với từ Nhu thuật tới Nhu đạo (Nhật Bản) ở những điểm nào?

Đáp: - Từ Vovinam tới Việt võ đạo khác với từ Nhu thuật tới Nhu đạo ở 2 điểm :

1) Làng võ Nhật Bản đã chính thức được hưởng không khí sinh hoạt võ sĩ đạo từ trên hai ngàn năm. Còn ở Việt Nam, mặc dù đã có nhiều thời đại dụng võ nhưng đến lúc xây dựng một nền võ đạo dân tộc, không khí sinh hoạt võ đạo của dân tộc đã mai một, nên cần phải xây dựng lại từ đầu.
2) Nhu đạo chỉ là giai đoạn phát triển hoàn bị của Nhu thuật, nhưng Việt võ đạo không phải chỉ là một giai đoạn phát triển hoàn bị của Vovinam, vì nhiệm vụ kết tinh những giá trị võ thuật của Vovinam và xây dựng một ý thức hệ võ học , Việt võ đạo còn có nhiệm vụ tổng hợp các giá trị võ vật xưa và nay lấy các môn võ hiện đại trên thế giới làm võ liệu nghiên cứu phối hợp cả Nhu lẫn Cương để hình thành một nền võ đạo cho dân tộc Việt Nam.

8. Hỏi: - Tinh thần võ đạo của Việt võ đạo chủ trương có mấy phần vụ?

Đáp: - Tinh thần võ đạo của Việt võ đạo chủ trương có ba phần vụ:

a) Sống : Với tất cả lửa sống tiềm tàng trong tâm thân, phải luôn cố gắng kiện toàn bản thân trên ba phương diện: Thân thể khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn, tâm hồn cao thượng để trở thành những con người toàn diện giúp ích cho gia đình và xã hội.
b) Giúp cho người khác sống: không lấy sự kiện toàn của bản thân làm lợi khí lấn áp, giành giật quyền sống của người khác. Trái lại, phải tôn trọng, giúp đỡ, tạo điều kiện để người khác cùng tiến bộ và hưởng vị sống như mình.
c) Sống cho người khác: đây là phần vụ cao quí nhất đòi hỏi người Việt võ đạo sinh phải hy sinh một số quyền lợi về vật chất lẫn tinh thần cho người khác nếu thấy cần thiết, vì cuộc sống của chúng ra liên quan ràng buột với cuộc sống của mọi người, các nhu cầu chúng ta được hưởng trong cuộc sống đều do mọi người chung quanh hổ trợ, giúp đỡ.

9. Hỏi: - Hãy trình bày mục đích của Vovinam-Việt võ đạo?

Đáp: - Vovinam-Việt võ đạo có ba mục đích:

a) Bảo tồn, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam hầu nêu cao tinh thần thượng võ, bất khuất của dân tộc. Khai thác trọn vẹn cả hai phần Cương và Nhu của con người để xiển dương môn phái Vovinam-Việt võ đạo bằng cách chuốt lọc những thế võ và vật cổ truyền Việt Nam rồi phối hợp, thái dụng mọi tinh hoa võ thuật đã và hiện có trên thế giới.
b) Thâu thập, nghiên cứu và phát minh các bài, thế võ để tu bổ và xây dựng nền võ học Việt Nam ngày càng phong phú hơn.
c) Huấn luyện môn sinh về ba phương diện: Võ lực, võ thuật và tinh thần võ đạo.

10. Hỏi: - Về võ lực, Vovinam-Việt võ đạo huấn luyện môn sinh ra sao?

Đáp: - Về võ lực, Vovinam Việt võ đạo huấn luyện cho môn sinh một thân hình rắn rỏi vững chắc, một sức lực mạnh mẽ dẻo dai, để có thể chịu đựng khó khăn cực nhọc, phòng chống bệnh tật, giữ cho thân thể luôn tráng kiện và lành mạnh.

11. Hỏi: - Về võ thuật, Vovinam-Việt võ đạo huấn luyện môn sinh ra sao?

Đáp: - Về võ thuật, Vovinam Việt võ đạo huấn luyện cho môn sinh một kỷ thuật dùng sức tinh vi để tự vệ hữu hiệu hầu đạt tới một nghệ thuật cao quí để phục vụ con người và sẳn sàng bênh vực lẽ phải.

12. Hỏi: - Về võ đạo, Vovinam Việt võ đạo huấn luyện môn sinh như thế nào?

Đáp: - Về võ đạo, Vovinam-Việt võ đạo rèn luyện cho môn sinh một tâm hồn cao thượng, một ý chí quật cường, một phong thái hào hiệp, một tinh thần kỷ luật tự giác, một nếp sống hợp quần trong tinh thần đồng đạo, một truyền thống hy sinh cao cả. Một đức độ khoan dung từ ái để phục vụ hữu hiệu cho bản thân, gia đình, dân tộc và nhân loại.

13. Hỏi: - Để thực hiện các mục đích trên, Vovinam-Việt võ đạo hoạt động theo các tôn chỉ nào?

Đáp: - Để thực hiện ba mục đích nêu trên, môn phái Vovinam Việt võ đạo chủ trương hoạt động theo 5 quan điểm sau :

1) Môn phái Vovinam-Việt võ đạo xây dựng trên nền tảng lấy con người làm cứu cánh, lấy đạo hạnh làm phương châm, lấy kỷ thuật và ý chí quật cường làm phương tiện.

2) Môn phái Vovinam-Việt võ đạo là một đại gia đình trong đó các môn đồ thương yêu, kính trọng lẫn nhau. Sự kính trọng và lòng thương yêu ấy đan kết thành kỷ luật môn phái, một giềng mối vững chắc giúp các môn đồ đoàn kết chặt chẽ để nêu cao danh dự môn phái và trở thành những con người toàn diện.

3) Môn phái Vovinam-Việt võ đạo luôn luôn tích cực góp phần vào mọi công cuộc giáo dục thanh, thiếu niên.

4) Môn phái Vovinam-Việt võ đạo đều không có tính cách chính trị và tôn giáo.

5) Môn phái Vovinam-Việt võ đạo luôn luôn tôn trọng các võ phái khác để cùng xây dựng một nền võ học Việt Nam với tinh thần võ hữu thật sự.

14. Hỏi: - Hãy giải thích đại cương nguyên lý “Cương Nhu phối triển”?

Đáp: - Theo nghĩa thông thường, Cương là cứng rắn, Nhu là mềm dẻo. Trong võ học, các phái thiên về cương có kỷ luật cứng và mạnh, lấy sức làm chính, cách xử thế hùng dũng quyết liệt, uy nghiêm. Các võ phái thiên về Nhu có kỷ luật linh hoạt uyển chuyển ít dùng sức, cách xử thế hòa nhã, khiêm cung , tế nhị. Các môn sinh Việt Nam trước đây không theo Cương hay Nhu, nó biến hóa linh hoạt tùy theo thể tạng mỗi người, mỗi địa phương. Nhận thấy trong cây tre Việt Nam, có cương nhu, có cả cứng rắn và mềm dẽo, có cả bền bỉ và gai góc. Tóm lại nó hội đủ hai tính Cương Nhu hợp thành một thể thống nhất, nó rất giống với bản chất và tính tình con người Việt Nam.

Từ quan sát đó, sau khi nghiên cứu sâu sắc nhiều ngành võ thuật trên thế giới và dân tộc, cố võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc đã lấy định luật "Cương Nhu phối triển" làm nguyên lý cho Vovinam Việt võ đạo. Cương nhu phối triển không chỉ đơn thuần là một sự bao hàm cả hai tính cương và nhu mà thật sự nó linh hoạt biến hóa vô cùng, lúc thì Cương nhiều Nhu ít, lúc thì Cương ít Nhu nhiều. Lúc vừa Cương vừa Nhu tùy theo mỗi hoàn cảnh và mỗi tình huống.

15. Hỏi: - Tác phong của Việt võ đạo sinh khi học tập ra sao?

Đáp: - Khi học tập, Việt võ đạo sinh phải tôn trọng kỷ luật, kính thầy, yêu bạn.
a) Tôn trọng kỷ luật : Tự giác tôn trọng nội qui của môn phái, hội và võ đường (câu lạc bộ).
b) Kính thầy : Lúc đến và ra về phải chào võ sư, huấn luyện viên theo nghi thức Việt võ đạo. Chăm chú theo dõi và tuyệt đối tuân lệnh của võ sư, huấn luyện viên trong học tập và sinh hoạt.
c) Yêu bạn : Vui vẻ hòa nhã với đồng môn, nếu bạn yếu kém phải nương tay, chỉ dẫn, khuyến khích bạn, săn sóc khi bạn té đau, bị đau vì bạn lỡ tay đánh mạnh cũng không cáu kỉnh giận dử, tránh tranh luận ồn ào, cướp lời bạn một cách lỗ mãng, tuyệt đối tránh những đố kỵ, thù hằn.

16. Hỏi: - Trong gia đình Việt võ đạo sinh phải cư xử như thế nào?

Đáp: - Trong gia đình, Việt võ đạo sinh phải kính mến người trên, yêu mến người ngang hàng, nhường nhịn người dưới.
a) Kính mến người trên là lễ độ và vâng theo lời dạy bảo, nếu người trên có điều gì sơ suất thì tìm cách khuyên lơn nhẹ nhàng.
b) Yêu mến người ngang hàng là chí tình, vui vẻ và hòa thuận.
c) Nhường nhịn người dưới là rộng lượng, tận tâm chỉ bảo với thái độ hòa nhã. Tuyệt đối tránh dùng võ khi trong gia đình không may có chuyện bất hòa.

17. Hỏi: - Việt võ đạo sinh phải thể hiện tác phong ra sao khi biểu diễn võ thuật?

Đáp: - Chỉ có khi nào có sự phân công chính thức Việt võ đạo sinh mới được tham gia các buổi biểu diễn võ thuật. Khi biểu diễn trước hết phải nghĩ đến danh dự môn phái, đem hết tinh thần vào cuộc biểu diễn để truyền vào cảm quan khán giả những đòn thế tinh luyện với sự diễn tả tận tình, hăng say nhưng nhu nhã, dữ dội, mãnh liệt mà vẫn uyển chuyển, nhịp nhàng, qua đó biểu dương được những nét độc đáo đặc sắc về võ thuật và võ đạo của môn phái.

18. Hỏi: - Khi giao dịch ngoài xã hội hoặc nơi công cộng, Việt võ đạo sinh phải có thái độ như thế nào?

Đáp: - Khi giao dịch ngoài xã hội hoặc nơi công cộng, Việt võ đạo sinh cần phải:
- Tôn trọng nội qui nơi giao dịch, công cộng,
- Ôn tồn nhưng không do dự, ba phải, ngại tranh luận,
- Cởi mở nhưng không phải bạ đâu nói đấy, tiết lộ hết chuyện nội bộ cho người ngoài biết,
- Niềm nở nhưng không nịnh bợ, cầu cạnh , suồng sã,
- Khiêm tốn nhưng không khúm núm, quỵ lụy,
- Tuyệt đối tránh khoe khoang là “người có võ”.

19. Hỏi: - Việt võ đạo sinh phải có tinh thần, thái độ như thế nào khi phải tham gia công tác xã hội?

Đáp: - Việt võ đạo sinh tham gia công tác xã hội vì nghĩa vụ chung đối với đồng bào, vậy phải giữ đúng tinh thần vị tha, chí công vô tư, bất vụ lợi. Tuyệt đối tránh việc kể ơn hay có thái độ, cử chỉ có thể làm người sự giúp đỡ tủi thân hoặc hiểu lầm việc làm tốt đẹp của ta. Khi tiếp xúc giúp đỡ họ, phải khéo léo giữ gìn ý tứ, hòa nhã và lễ độ.

20. Hỏi: - Trong những buổi sinh hoạt nội bộ Việt võ đạo sinh cần phải như thế nào?

Đáp: - Trong những buổi sinh hoạt nội bộ Việt võ đạo sinh cần phải:
a) Thân ái : Vì đây là dịp để cho các đồng môn có dịp tìm hiểu nhau từ hoàn cảnh, tài năng đến chí hướng. Cần nhớ thân ái không phải làgây bè kết nhóm tạo sự tỵ hiềm đố kỵ nhau.
b) Hồn nhiên : Vì có tính cách gia đình, là dịp để cho mọi người có thể phát huy những năng khiếu đặc biệt, tránh bừa bãi, tự do quá trớn.
c) Cởi mở : Vì mục đích sinh hoạt nội bộ là tạo niềm thông cảm giữa các môn sinh để tình đồng đạo mỗi ngày một vững vàng. Tuy nhiên, cởi mở không đồng nghĩa với khoe khoang, phách lối, hợm hỉnh, chọc phá hoặc bươi móc lẫn nhau.
d) Bao dung : Vì đây là cơ hội tốt để các đồng môn tương trợ lẫn nhau, giải quyết các hiểu lầm, ngộ nhận. Khi có kinh nghiệm quý báu gì ta nên đem ra phổ biến để mọi người cùng lĩnh hội. Khi đồng môn có kém điều gì không hay, ta sẳn lòng bỏ qua. Nếu thấy cần thiết nên góp ý khéo léo, nhẹ nhàng, cổ vũ khuyến khích để đồng môn tăng thêm nhuệ khí thi thố tài năng.


(Theo Thư viện Vovinam )



Tin liên quan:
Võ Đạo Tại Tâm [Sun - 08/22/2010 10:27]
Lễ Tưởng Niệm Anh Hùng Nguyễn Trung Trực [Mon - 10/12/2009 11:28]
Bình luận về chử “Trí” [Sat - 09/05/2009 17:26]
Thời đại võ thuật và võ đạo [Sun - 08/09/2009 19:19]
Tâm Tình Mùa Tưởng Niệm! [Sun - 06/21/2009 10:02]
Diễn Từ của Võ Sư Chưởng Môn [Thu - 05/07/2009 22:33]
Danh Dư Người Võ Sĩ [Sat - 11/01/2008 16:46]
Bàn về Võ Đạo [Thu - 10/16/2008 20:17]
Lý Tưởng Vovinam [Thu - 08/14/2008 12:05]
Lời nói đi đôi với việc làm. [Sun - 08/10/2008 15:55]


 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:
Võ Đạo Tại Tâm [Sun - 08/22/2010 10:27]
Bình luận về chử “Trí” [Sat - 09/05/2009 17:26]
Tâm Tình Mùa Tưởng Niệm! [Sun - 06/21/2009 10:02]
Danh Dư Người Võ Sĩ [Sat - 11/01/2008 16:46]
Bàn về Võ Đạo [Thu - 10/16/2008 20:17]
Lý Tưởng Vovinam [Thu - 08/14/2008 12:05]
Mệnh Trời [Wed - 08/06/2008 10:08]
Nổi Lòng các Thầy Cô [Sat - 05/03/2008 14:34]
Tuổi dậy thì [Sat - 04/26/2008 21:45]
Sự Kỳ Diệu của Vovinam [Thu - 01/17/2008 19:25]



.:: VOVINAM VIET VO DAO ::.
Master : Cam Binh Nguyen
Add : 54 South 26 Street. San Jose, CA 95116 - Phone : (408)291-0698
E-mail : vovinamsj@yahoo.com - Website : www.vovinamus.com
------------------------------------------------
Thời gian mở trang: 0.096 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.