HỒI KÝ I

HÀNH TRÌNH VOVINAM
võ sư Cẩm Bình


        Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập võ đường Vovinam tại hải ngoại 1983- 2003, tôi xin ghi lại những kỹ niệm vui buồn trong sinh hoạt để chia xẽ với đồng môn, dĩ nhiên sẽ có nhiều điều thiếu sót, nhưng ở đây tôi chỉ nêu ra một số ý chánh mà tôi còn nhớ được trong ký ức. Võ sư Nguyễn Minh Hải là người đầu tiên xây dựng phong trào Vovinam tại san Jose vào năm 1981, riêng tôi bắt đầu thành lập võ đường vào năm 1983.

Tôi xin chia hành trình Vovinam ra làm 4 đoạn:

Ðoạn 1: nói về quan niệm: Nam Trọng - Nữ Khinh
Ðoạn 2: nói về hành trình Vovinam tại miền Tây Việt Nam
Ðoạn 3: nói về San Jose vùng đất Ðịa Linh Nhân Kiệt
Ðoạn 4: nói về hành trình Vovinam tại hải ngoại 


I. QUAN NIỆM: NAM TRỌNG - NỮ KHINH

        Dân tộc Việt Nam ngày xưa nặng về tinh thần Nho Giáo, cho nên người Nam phải luôn lấy Trung, Hiếu, Nghĩa làm đầu, làm trai thì phải học Văn, nếu không văn thì phải luyện võ, còn nếu không văn, không võ cũng phải học nghề để nuôi lấy bản thân và gia đình. Trải qua hơn 4000 năm, nước Việt Nam đã xảy ra không biết bao nhiêu là binh biến, dân tộc ta luôn phải chiến đấu để chống với binh hùng tướng mạnh từ phương Bắc tràn xuống, rồi đến phương Tây... dân ta đã bi nô lệ, đô hộ khổ cực biết dường nào, cho nên ngày xưa người con trai nước Việt được sinh ra, lớn lên luôn đấu tranh cho dân tộc được trường tồn, văn ôn, võ Luyện là tiêu đề cho người con trai nước Việt, cho nên người ta thường nói: 

Làm Trai cho đáng nên trai 
Xuống Ðông, Ðông tỉnh, lên Ðoài, Ðoài tan. 

        Ðất nước Việt Nam được trường tồn, vững mạnh cũng nhờ các đấng anh hùng, các tiền nhân đã bỏ bao công lao và xương máu để xây dựng nên, các anh hùng đã làm nên lịch sử như: Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn, đại tướng Lý Thường Kiệt, vua Lê Lợi, anh hùng Lê Lai cứu chúa, Vua Quang Trung.... và còn nhiều nữa mà tôi không tiện kể hết ra đây. Thượng đế đã ban cho người nam có sức mạnh hơn người nữ để làm những công việc nặng nhọc, nhất là việc lo cho gia đình và bảo vệ giang sơn. Vì vậy người xưa xem trọng nam giới hơn nữ giới, người nam là trụ cột của gia đình, và bắt người nữ có nhiệm vụ phải phục vụ cho người nam.

        Còn người nữ Việt Nam ngày xưa thường bị khép mình trong khuôn khổ: "Tứ Ðức" Công, Dung, Ngôn, Hạnh là Phương châm tu dưỡng và hành xử cho người nữ nước Nam. Người con gái phải chăm lo don dẹp nhà của, nấu ăn, thêu thùa may vá. Cùng một khuôn khổ, "Tam Tùng" là phải ở nhà với cha mẹ thì phải nghe lời cha mẹ, có chồng thì phải chăm lo cho chồng và gia đình bên chồng, khi chồng chết thì phải theo con.  Chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho cha, me, chồng, con... ôi cuộc đời người nữ ở Việt Nam ngày xưa thật thảm thương, không tự chủ, bị hành hạ khổ sở biết dường nào. Có những người phụ nữ bị gia đình chồng và chồng hành hạ, bỏ đói, đánh đập bò lê lết mà vẫn cắn răng chịu đựng, không một chút than van chỉ vì thương con, không muốn rời xa con, hoặc không thể tự lập cuộc sống riêng tư cho chính bản thân mình. Và nhất là sợ bia miệng đời trù ẻo làm gái không được chính chuyên. Không biết phục vụ cho chồng con theo câu châm ngôn chết người: Xuất gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử.

        Tuy nhiên có những trường hợp ngoại lệ, một số người nữ đã làm nên lịch sử, như khi nườc biến người nữ vẫn sẳn sàng đứng lên đánh đuổi quân thù, như gương anh dũng của các nữ Anh Hùng: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh và Bùi Thị Xuân... Với Những câu nói lịch sử như sau: 

Lời hiệu triệu của 2 bà Trưng:

        Hởi các đồng bào trăm họ, giặc Ðông Hán đang xéo dày đất nước, nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang? Thà chết mà đứng thẳng, còn hơn chịu nhục mà sống quì, đất nước ta cẩm tú, người dân Nam anh hùng, trước đền thờ quốc tổ, thề hy sinh giết giặc cứu non sông.

Lời bà Triệu (Nhụy Kiều Tướng quân):

        Ta muốn cởi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể Ðông, quét sạch bờ cỏi để cứu dân ra khỏi khổ cực, chứ không thèm bắt chước người đời, cúi đầu cong lưng làm tôi tớ người ta.

Nữ tướng Bùi Thị Xuân:

        Thân Bồ Liễu cũng Anh Hùng, là một người tinh thông võ nghệ, can đảm, theo chồng là Trần Quang Diệu một danh tướng của triều Tây Sơn, ra trận chém tướng đoạt thành lập nhiều chiến công hiển hách, lúc bị bắt và bị đem thêu sống, bà vẫn luôn tươi cười cho đến lúc chết.

        Những Nữ Anh Hùng dân tộc nầy đã dùng phấn son tô điểm sơn hà - làm cho tỏ mặt đàn bà - Ngay tại Bình Ðịnh xứ sở quê hương của chúng ta cả làng đều tập võ, mà giỏi võ Bình Ðịnh nhất lại là những cô gái, chúng ta cũng thường nghe câu ca dao:

Ai về Bình Ðịnh mà coi,
Con gái Bình Ðịnh múa roi, đi quyền.

        Như vậy lịch sử Việt Nam đã chứng tỏ võ thuật không những chỉ có nam nhân tập luyện, mà nữ giới khi được luyện tập cũng không thua kém nam nhân. Nhất là thời đại bây giờ, nam nữ đã bình đẳng, nữ giới đã ra ngoài làm việc kiếm tiền về nuôi gia đình, người nữ đã có mặt trong khắp ngành nghề từ: Nông Dân, Công Nhân, Giáo Chức, Văn Phòng, Quân Ðội cho đến những ngành cao trong xã hội như: Bác Sỉ, Kỹ Sư, Khoa Học Gia, Thủ Tướng, Tổng Thống, Nữ Hoàng... đi tới đâu cũng gặp người nữ. 

Ý nghỉ: Nam Trọng, Nữ Khinh nay đã lỗi thời:

        Tuy nhiên cho đến ngày nay vẫn còn một số nam giới vẫn nhìn giới phụ nữ với cặp mắt cổ xưa, ngay cả trong môn phái chúng ta ngay vào thời điểm này vẫn còn quan niệm "Nam trọng - Nữ khinh" khi nhìn người con gái học võ, múa roi, đi quyền... Từ xưa tới nay, môn phái Vovinam Việt Võ Đạo đã thâu nhận không biết bao nhiêu là nữ môn đồ, một số học qua trình độ sơ đẳng rồi nghỉ, một số lên cao hơn đến hoàng đai lập gia đình rồi bỏ cuộc, chỉ một số ít vì lý tưởng môn phái đeo đuỗi lâu dài hơn đến cấp hồng đai, số này đếm trên đầu ngón tay không có bao nhiêu người.

        Tôi là một trong những số người ít oi đó, đã vì lý tưởng môn phái mà dành trọn cuộc đời lo cho môn phái, luyện tập, sinh hoạt không ngừng nghỉ, dù có khó khăn cách mấy cũng cố gắng khắc phục. Hành trình Vovinam của tôi trải qua biết bao gian truân và chống đối chỉ vì người ta nhìn tôi với cặp mắt: NGƯỜI NỮ người ta cứ tâm niệm là người nữ không làm nên tích sự gì ! thậm chí có người trong môn phái còn phê bình một câu: con gái gì nhảy múa lung tung, có người còn dèm pha: con gái không nên cho mang đai cao quá...tôi xin hỏi: một người hội đủ 5 điều kiện của môn phái, đã sinh hoạt liên tục trong môn phái trên 30 năm không gián đoạn, tại sao không cho lên đai với 5 điều kiện để lên hồng đai các cấp:

  • Ðủ thời gian qui định

  • Sinh hoạt toàn thời gian

  • Công lao phát triển môn phái

  • Trình luận án võ thuật hoặc võ đạo

  • Thi võ thuật theo đúng chương trình của môn phái.

        Tại sao lại phân biệt giửa con trai và con gái? Trong khi có những người sinh hoạt không liên tục, không đủ 5 điều kiện nêu trên lại lên đai nườm nượp... những người sinh sau đẻ muộn năm 1975 tập võ được bao nhiêu năm? mà đã lên đến chuẩn hồng đai và hồng đai I cấp, vậy công bình và liêm chánh môn phái đã dạy như thế nào?

        Có người còn muốn hạ uy tín, mạo danh tôi viết thơ chưởi người nầy, chưởi người kia để tôi bị mọi người hiểu lầm, ghét tôi. Thật là buồn cười, quan niệm như vậy, làm như vậy là chèn ép người nữ thái quá, tôi yêu cầu quí vị không làm được hãy để cho người khác làm, không yểm trợ thì thôi đừng phê bình những câu khó nghe như vậy, không giúp ích gì được cho môn phái thì thôi đừng phá hư môn phái. Ðiểm đáng buồn và thật buồn là những lời phê bình nầy, những hành động phá hoại nầy lại xuất phát từ những người trong môn phái Vovinam Việt Võ Ðạo, trong khi đó những người ngoài môn phái thấy tôi bỏ bao công sức và tiền bạc ra làm việc công ích cho xã hội cho thế hệ tương lai của dân tộc người ta lại hưỡng ứng và yểm trợ một cách nồng nhiệt, và luôn tuyên dương tôi trước mặt mọi người nhất là đối với chính quyền Mỹ (Tất cả những bản tuyên dương tôi vẫn còn cất kỹ). Hơn nữa cuộc đời hy sinh cho môn phái (33 năm) tôi chưa bao giờ được tuyên dương, thay vào đó là những lời ganh ghét, đố kỵ, chưởi bới nhau... tôi nghe một nổi buồn vô tả xâm chiếm hồn tôi. Hằng đêm tôi luôn cầu nguyện thượng đế hãy tha thứ tất cả mọi lổi lầm, tất cả thù ghét để mọi người cùng nhau đoàn kết, chung sống hoà bình, thương yêu và giúp đỡ nhau..... viết những giòng chử này tôi không cầm được những giọt lệ... người ta khóc vì thất tình, vì nổi buồn mất người thân, tôi khóc vì môn phái chia rẻ, đố kỵ, hại nhau.

        Vì lý tưởng môn phái, tôi mặc kệ những lời phê bình thiên vị, hay ganh ghét đó, vì thế hệ thanh niên, vì tình yêu tổ quốc, muốn đào tạo và xây dựng cho đất nước có được những người con yêu có đầy đủ năng lực và ý chí để có thể hữu hiệu bảo vệ cho đất nước, giúp cho dân tộc Việt Nam được trường tồn và vững mạnh. Tôi không làm gì trái với lương tâm đạo đức, chỉ với tâm nguyện GIÚP ÍCH VÀ HIẾN ÍCH cho môn phái và dân tộc. Nên tôi vẫn âm thầm làm việc mặc bao gian truân, bao khổ nhọc, chí vẫn không sờn, mổi khi gặp trở ngại thì tôi luôn nhớ về điều tâm niệm số 8 : Việt Võ Ðạo sinh kiện toàn một ý chí đanh thép để thắng phục cường quyền và bạo lực.

        Ðường đi khó không khó gì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Anh em ơi! anh em ơi! đường còn dài còn nhiều gian khó, kiên tâm, kiên gan, quyết tâm vượt qua, tiếng hát bài đường đi khó mà chúng tôi sinh hoạt ngày nào vẫn còn vang đọng trong tim, nhắc nhở tôi cố gắng vượt qua tất cả trở ngại để đi đến mục đích mình muốn đạt được.

Xin mời quí vị bước vào hành trình Vovinam Việt Võ Ðạo 1

II. HÀNH TRÌNH VOVINAM 1: (VIỆT NAM)

        Sinh ra trong một gia đình võ thuật, ba tôi có học võ cổ truyền, cứ mổi buổi tối là ba tôi bắt cả nhà đứng sắp hàng tập võ. Khi vào trung học tại Cần Thơ, tôi học võ Nhu Ðạo với võ sư Nguyễn Văn Chơi (đệ tử của võ sư Phạm Lợi). Khoảng 2 năm sau tôi được đai đen, từ đó chỉ thi đấu để lên đai, không còn đòn thế để học. Tôi tiếp tục sang học Thái Cực Ðạo với võ sư Ung Phụng Võ, sau vài tháng tôi gặp cô La Ngọc Sinh là môn sinh lam đai III cấp của môn Phái Vovinam Việt Võ Ðạo rủ tôi sang tập Vovinam.

        Nhập môn vào năm1970, mổi tuần tập 3 ngày: thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu. Mỗi sáng phải thức dậy từ 5 giờ để lội bộ đến lớp tập, giờ đó thiên hạ còn đang ngon giấc, chỉ có những người buôn bán thỉnh thoảng gánh hàng đến chợ, đi ngoài lộ cái có ánh đèn điện thì an toàn hơn nhưng hơi xa, tôi phải đi vòng trong đường hẻm tối om và vắng tanh, nhưng cũng cố gắng lầm lủi bước đi một mình đến lớp tập, khi tập võ xong tôi đi bộ về nhà tắm rửa xong là cắp sách đến trường. Năm 1974 sau khi đậu tú tài II, các thầy cô trường Ðoàn Thị Ðiểm, Cần Thơ chọn tôi đại diện trường đi thi điền kinh toàn vùng IV, và đã liên tục chiếm nhiều giải I và II trong các bộ môn điền kinh như: ném tạ, leo giây, nhảy cao, nhảy xa, chạy tốc lực ... nên các thầy cô giới thiệu tôi theo học khóa Sư Phạm Thể Dục, Thể Thao Sài Gòn một năm. Lúc đó tuy không được luyện tập thường xuyên, nhưng mỗi tháng khi nghỉ phép về Cần Thơ tôi đều tìm gặp các bạn cùng lớp để luyện tập chung cho đến khi mãn khóa học trở về, tôi vào đại học luật Khoa, và tiếp tục sinh hoạt Vovinam không ngưng nghỉ.

        Ngoài những ngày thường tập võ, vào mổi sáng Chúa Nhật tôi được sinh hoạt trong liên đoàn Anh Hùng Ngày Mai học tập những bài ca của môn phái, dân tộc, những bài hát sinh hoạt, sinh hoạt trò chơi, học múa, đóng kịch, luận bàn về võ đạo... Tôi còn nhớ các huynh đã cho chúng tôi bàn cải về đề tài: Người nam quan trọng hơn hay người nữ quan trọng hơn ? Người nam có trước hay người nữ có trước.... chúng tôi đã chia ra 2 phe nam và nữ, phùng mang, trợn má cải nhau, ai cũng cố gắng bảo vệ quan điểm của mình qua những dẫn chứng từ kinh thánh.

        Về ca hát thì mổi đứa một giọng khác nhau, đứa giọng lên, đứa giọng xuống, đứa giọng ngang, đứa giọng thùng thiếc bể... mổi lần huynh Thiện bắt cả lớp tập hát là cứ đua nhau ôm bụng cười lăng chiêng ra. Còn vũ thì tay chân đứa nào cũng đánh võ cứng còng cứng ngắc, múa đi lựng xựng, múa nhanh như chạy giặc, nhạc ca chưa hết mà bài múa đã xong rồi, còn màn đóng kịch, hể nói lên một câu là cười một tiếng... Nhưng huynh Thiện cũng cố công huấn luyện cho tụi tôi diễn được mới thôi, cuối cùng thì cũng ra trình diễn, cũng thi đua với các võ đường khác và nhất là thi đua với các trường trung học trong những ngày lễ Hai Bà Trưng. Nào là thi đua kéo dây, đánh cầu lông, đánh bóng bàn, văn nghệ....  Tôi và chị Tỵ đóng vai hai Bà Trưng ra múa kiếm vun vút qua 2 bài: Tinh Hoa Lưỡng Nghi Kiếm Pháp rồi chuyển qua song Luyện Kiếm, huynh Thiện ở dưới vổ tay khen:

    -   Hay lắm, hay lắm, thế nào cũng đoạt giải.
Nhưng rất tiếc các cuộc thi đua không đoạt được giải nào cả, cả nhóm buồn thiu đi về võ đường, thầy Nhàn hỏi: 
    -   Sao? ra quân có thắng trận không? có đoạt được giải gì không?
Cả nhóm riu ríu trả lời:
    -   Dạ thưa thầy, tuị em không đoạt được giải gì cả...
Cả nhóm đứng chờ thầy rầy, nhưng thầy chỉ mỉm cười, bảo các huynh đệ lui ra, lần sau cố gắng hơn, vì thầy dư sức hiểu, chúng tôi không phải là dân chuyên nghiệp, thầy chỉ muốn các huynh đệ sinh hoạt cho vui vẽ và tạo dịp cho các huynh đệ phát triển năng khiếu mà thôi.

        Thỉnh thoảng vào những ngày cuối tuần, lớp chúng tôi thường rũ nhau xuống bải cát ở vườn ổi, gần bến phà Hậu Giang, cạnh sông Bassac Cần Thơ cấm trại để tập đấu vật và luyện đòn chân, ở bải cát tập đấu vật và luyện đòn chân có té cũng đở đau hơn ở lớp võ, vì trong lớp võ sàn si măng quá cứng các huynh đệ đánh đòn chân bị té ê ẩm cả người, cứ mổi lần đánh đòn chân là các huynh đệ cứ thụt lùi ra sau, tử tế nhường bạn mình đi trước. Còn tôi mổi tuần về quê là lấy sợi dây thừng cột lên cây sua đủa, rồi nắm giây đu người bay lên đạp vào những cây chuối (cái nầy tôi học được từ phim Tazan), nhờ vậy mà tôi đánh được đòn chân. Má tôi hỏi:

    -   Ủa sao cây chuối bị dập nát hết vậy cà?
Tôi im lặng cuốn gói bỏ đi, ở lại chắc là sẽ bị ăn đòn.

        Trong những buổi cắm trại, chúng tôi ngày thì tập võ, đêm về đốt lửa trại, nấu chè, ca hát, sinh hoạt những trò chơi rất vui vẽ, anh em rất thương mến nhau, thậm chí coi tiền là của chung, hể ai có tiền thì bỏ vào quỹ sinh hoạt để tiêu xài chung. Khi nào không đi cắm trại là chúng tôi rủ nhau xuống bến Ninh Kiều, ngồi trên công viên cạnh bờ sông Hậu, để nhìn nước chảy, nhìn vầng trăng, nhìn thuyền xuôi dọc trên sông, cảnh đẹp biết bao, chúng tôi thường mua mía ghim, đậu phọng hoặc ấu luộc để ăn. Trái ấu có hình dáng rất xấu, da sần xùi đen , 2 đầu cong như 2 sừng trâu, nhưng trong ruột trắng phau, ấu già đem nấu ăn rất bùi, còn những trái ấu non, ăn sống rất ngọt. Chúng tôi ngồi trên băng đá vừa ăn, vừa ngắm cảnh, thanh niên, thiếu nữ, đi tới lui tấp nập, cô nào dáng người cũng đẹp và dể thương, gái miền sông Hậu có khác, người ta thường có những câu ca dao để nói về những người con gái Cần Thơ như sau:

Cần Thơ có bến Ninh Kiều, có nhiều cô gái mỹ miều đáng yêu.
Gái Cần Thơ nước da bánh ít, anh chàng nào thấy cũng thích, cũng mê.
Cần Thơ đi dể, khó về, Trai đi có vợ, gái về có con.

        Chúng tôi đối xử với nhau rất chân thật, lo lắng, chăm sóc cho nhau, tình cảm thật đậm đà, đầm ấm, tôi cảm thấy có một tình thương yêu bao la và rộng lớn trong tình nghĩa đệ huynh, tôi đã tìm được nguồn vui trong sinh hoạt của Vovinam, một thứ tình cảm mà tôi không thể tìm đưọc giống như vậy trong các đoàn thể khác, từ đó tôi coi môn phái Vovinam như là điểm tựa trong cuộc sống, đó là lý do tại sao tôi theo môn phái và hoạt động lâu dài không ngưng nghĩ trên 30 năm nay. Trong mọi sinh hoạt, trên từng bước đi, tôi luôn cảm tạ và nhớ ơn võ sư Nhàn, võ sư Sen,võ sư Thiện và các huynh đệ Cần Thơ đã hướng dẫn, dạy dổ, cảm hoá và tạo cho tôi niềm ân tình này.

        Vào thời đó, hằng năm Miền Tây đều tổ chức thi lên đai cho toàn vùng IV và đại lể khai phá, (tức kỷ niệm ngày võ sư Nguyễn Văn Nhàn xuống miền Tây để khai mở phong trào Vovinam Việt Võ Ðạo), Kỹ niệm đáng nhớ nhất trong đời học võ của tôi là Ðai lễ Khai Phá miền Tây năm 1972 tại Trà Nóc Tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ). Buổi lễ thật lớn và trang trọng: rất đông võ sư, huấn luyện viên và môn sinh các nơi về tham dự. Chúng tôi cấm trại tại Trà Nóc 3 ngày, 3 đêm, sinh hoạt lửa trại, thi đua văn nghệ, biểu diễn võ thuật.... Các phái đoàn miền Tây được xe GMC chở về đổ người xuống nườm nượp, khung cảnh trông thật nhộn nhịp, các tỉnh tham dự gồm có: Long Xuyên, Cần Thơ, Rạch Giá, Sóc Trăng, Cà Mau, Châu Ðốc, Bạc Liêu ..... đặc biệt trong buổi lễ chính có sự hiện diện của võ sư chưởng môn Lê Sáng và một số võ sư cao cấp từ Sài Gòn về tham dự và biểu diễn. Nhìn các võ sư đai đỏ biểu diễn bài: tay không đoạt búa, từng đường búa chém vung vút trông lạnh người. Không khí buổi lễ thật là uy nghi và hùng tráng đã khiến cho tôi nhớ mãi trong đời, nhất là hình ảnh vị võ sư chưởng môn uy nghi đỉnh đạc, điều hành cả một môn phái rộng lớn khắp 4 vùng chiến thuật khiến tôi kính phục suốt đời.

        Vào thời đó, võ sư Nguyễn Văn Nhàn làm cục Trưởng cục huấn luyện miền Tây, võ sư Nguyễn Văn Sen là Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Phong Dinh (Cần Thơ), võ sư Trần Phước Thiện trực tiếp giãng dạy tại trung tâm Tự Ðức - Cần Thơ. Thời đó tôi rất hâm mộ 5 nữ tướng miền Tây là cô Ánh, cô Phụng, cô Liên (Rạch Giá) cô Hiền (Long Xuyên) và cô Tỵ (Cần Thơ) các cô nầy rất giỏi võ, điều khiển môn sinh rất kỹ luật và nghiêm khắc. Nhưng lại rất chân tình và thương yêu lo lắng các huynh đệ rất tận tâm trong những buổi sinh hoạt lửa trại hoặc những cuộc thi đua văn nghệ hay biểu diễn võ thuật. Về nam thì chúng tôi rất thích sinh hoạt với huynh Phong và huynh Thuận và nhất là huấn luyện viên Dương Minh Hải em của võ sư Dương Minh Nhơn ở Long Xuyên. Huynh Hải rất là vui tính và hoà đồng với anh em, mổi lần có huynh Hải vào sinh hoạt là các huynh đệ rộn rã tiếng cười, vì huynh Hải có rất nhiều trò chơi hấp dẫn, còn các sư huynh khác thì lúc nào cũng đạo mạo nghiêm trang, chơi không vui tí nào cả.

        Võ sư Nhàn và võ sư Sen sinh hoạt toàn thời gian cho môn phái, không có làm việc gì khác ngoài việc dạy võ, các huynh phụ tá cho quý thầy đều toàn là học sinh và lính nghèo, tay trắng lật qua lật lại vẫn là trắng tay, không có đồng xu dính túi. Ðiều đáng nói là mặt ngoài sinh hoạt của Vovinam rất rần rộ, khí thế rất hào hùng, đông đảo, xem rất hùng mạnh, nhưng mặt trong tất cả võ sư của môn phái túi luôn rổng tuếch, ăn uống rất thô sơ và đạm bạc, có bửa các huynh đệ thấy trong hủ gạo không còn một hột, huynh Thiện, chị Ty và huynh Vân phải chạy về nhà múc gạo đem lại nấu cho thầy ăn, các thầy lúc nào cũng bận rộn lo việc môn phái, cơm nước thì giao cho các sư huynh trực tại võ đường, các huynh là đàn ông làm sao biết làm món ngon cho thầy ăn, nên các huynh thường xuyên cho thầy ca bản nhạc: Ðường, Tương, Chao, Tàu Hủ, Dưa Leo... ai ăn vô chưa phải là nghèo..... ăn rau luộc chấm với chao mà thầy vẫn ăn rất ngon lành, vẫn làm việc hăng say, không màng khó nhọc, và nhất là vẫn đánh võ dữ dội, các huynh đệ nào học với thầy đều khiếp đảm, run như cây sấy, mổi lần các huynh đệ nào được thầy Trưởng kêu vào dạy bảo là run như con chuột bị ướt nước mưa.

        Thật ra võ sư Nhàn không bao giờ lớn tiếng rầy la các huynh đệ, thầy chỉ dùng lời nhẹ nhàng và thâm thúy giãng dạy cho các đệ huynh theo đúng lễ giáo mà thôi, giọng nói của thầy hòa dịu nhưng rất nghiêm trang, trong người thầy toát ra một uy lực khiến mọi người đối diện phải kính. Tiền học phí các môn sinh đóng không đủ chi phí cho các sinh hoạt nên tháng nào cũng thiếu hụt tiền, 2 thầy phải về xin thêm tiền của gia đình, đúng với câu: Làm nhà "Báo" mà lãnh lương "Nhà". Cho nên trong mắt tôi quý thầy là những người rất đáng quý, đã hy sinh biết bao tâm trí để xây dựng và phát triển phong trào Vovinam Việt Võ Ðạo tại miền Tây Việt Nam. 

        Càng quý hơn nữa là quý thầy đã gieo vào lòng môn sinh chúng tôi những tình yêu thương cao cả rộng lớn, dành trọn thời gian làm việc cho dân tộc và môn phái. Quý thầy thường dạy chúng tôi về 12 đức tính căn bản làm nồng cốt trong mọi sinh hoạt: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Trung, Dũng, Cần, Cẩn. Liêm,Khiêm, Kiệm. Nhờ ở sự giãng dạy nầy, tôi đã áp dụng thành công những điều đã học được ở ngoài đời, nên công lao dạy dổ của quý thầy chúng tôi luôn ghi nhớ mãi, và luôn chúc phúc cho quý thầy được khỏe mạnh, gia đạo được an vui và hạnh phúc.

        Và để giữ vững tình nghĩa sâu đậm này, lớp võ của chúng tôi đã kết nghĩa anh em với nhau, để có vui cùng hưởng, có hoạn nạn cùng chia, chúng tôi đã làm nhiều công tác thiện nguyện, giúp đỡ nhiều đồng môn gặp hoạn nạn, thăm viếng những gia đình nghèo và ốm đau....chúng tôi đã tập hợp và kết nghĩa với nhau tổng cộng là 17 người, lấy tên là gia đình Hùng Tâm biệt hiệu là Hoa Hướng Dương 17 cánh hoa Hướng Dương họp lại phân chia thứ bậc theo tuổi tác, riêng tôi được bầu làm chị cả mặc dầu cậu hai lớn tuổi hơn nhưng chịu nhận làm em để nhường phần lãnh đạo cho tôi. Trong gia đình kết nghĩa nầy có cô Phan Thị Thúy Hồng (đứa em kết nghĩa thứ 13) là ngâm thơ hay nhất thường được thầy Trưỡng gọi vào cho ngâm những bài thơ thầy vừa sáng tác. Ðứa em kết nghĩa thứ 15 tên Thiều Minh Quang và đứa em thứ 5 tên Tạ Quỳnh Ðức đã họp nhau lại và đặt ra bài ca kết nghĩa như sau:

Gia đình Hùng Tâm thâm tình huynh đệ
Kết chặt nở hoa nhân ái
Hướng dương nêu cao chí cả
Trách nhiệm tràn đầy, máu hùng rải khắp mọi nơi 
Anh chị Hùng Tâm, em thật Hùng Tâm
Anh chị em kết nghĩa một nhà
Anh chị em vui sống chan hoà
Chúng ta cùng vui tươi hát vang.

        Mổi lần chúng tôi họp mặt sinh hoạt là phải hát bài ca nầy và mổi lần gặp nhau phải chào theo kiểu chào bằng cách đưa cánh tay trái lên ngang vai vuông góc. Các huynh đệ bên Gò Công thấy sinh hoạt của chúng tôi vui vẽ, thâm tình như vậy cũng về Gò Công thành lập gia đình kết nghĩa và kết tình anh em với chúng tôi. Gia đình Gò Công mời huynh Thiện làm cha đở đầu cho gia đình. Ðến nay không biết gia đình bên Gò Công ra sao? Riêng gia đình chúng tôi dù có đi tứ tán, nhưng vẫn liên lạc và hổ trợ cho nhau, nay còn sinh hoạt trong môn phái có 3 người đã được lên cấp võ sư: là võ sư Cẩm Bình , võ sư Tạ Quỳnh Ðức, võ sư Tần Thiên Lý.

        Ðến năm 1975 các võ đường đóng của, tôi vẩn thường xuyên luyện tập một mình ở nhà mổi ngày, và mỗi cuối tuần tôi tập hợp các huynh đệ cùng lớp họp nhau lại để luyện tập chung, thỉnh thoảng võ sư Hà Thanh Bình ở Sóc Trăng và các huynh đệ bên Gò Công cũng sang luyện tập chung với chúng tôi và mỗi tháng tôi phải lên Sài Gòn luyện tập với võ sư Sen và võ sư Nhàn. Khoảng vài tháng 2 thầy luân phiên nhau xuống miền Tây một lần để dạy dổ và cổ động tinh thần các huynh đệ. Sau 1975 vấn đề tập hợp đông người rất là khó khăn cho nên các buổi tập của chúng tôi rất là khổ cực, mượn địa điểm nhà cô Phạm Thị Kính ở trong vườn, các huynh đệ phải đi từng người riêng rẽ trong đêm tối để vào nhà tứng người một. Tôi còn nhớ có một lần dẫn cô Năm bên Gò Công sang tập, cô này bị cận thị rất nặng không thấy đường đi, nhằm lúc trời vừa mưa trơn trượt, đi ngang qua cây cầu khỉ, cô đã té nhào xuống mương, mình dính đầy bùn. Chúng tôi phải hì hụt kéo cô ta lên, tuy khó khăn và khổ cực nhưng chúng tôi vẫn luôn vui vẽ.

        Dù ít hay nhiều, ngày nào mổi buổi sáng khi thức dậy và mổi buổi tối trước khi đi ngủ tôi đều tập luyện, vì sau khi luyện tập thân thể tôi cảm thấy khỏe mạnh hơn, tinh thần tôi hăng hái hơn, và nó đã trở nên thói quen hàng ngày của tôi cho đến bây giờ.

III. SAN JOSE: VÙNG ÐỊA LINH NHÂN KIỆT

        San Jose là một vùng thung lũng bao bọc chung quanh là những ngọn đồi và núi, đặc biệt vào mùa Xuân có những bông hoa màu vàng tươi thắm trải rộng khắp cánh đồng, nên được gọi là Thung Lũng Hoa Vàng. San Jose là một thành phố nhỏ, nhưng được nhiều người trên thế giới biết đến nhờ sản xuất điện tử, nên còn được mênh danh là Thung Lũng Ðiện Tử.

        San Jose là vùng đất tốt, mưa thuận gió hoà, khí hậu tương đối dể chịu hơn những tiểu bang khác. Nhờ có các hảng điện tử, dể kiếm được việc làm, nên người Việt tập trung về ở rất đông đảo, trên một trăm ngàn người. Mỗi khi có việc gì đồng bào thường hay tụ họp lại rất đông, như hội chợ TẾT, TẾT Trung Thu...Mỗi khi trong nước bị bão lụt, hay nước Mỹ bị tai ương... các tổ chức thiện nguyện đứng lên kêu gọi đóng góp, toàn thể đồng hương đều hưởng ứng nồng nhiệt, và những số tiền quyên góp đều rất đáng kể. Nên San Jose được mệnh danh là Thung Lũng Tình Thương. Nhờ vào Ðịa Linh Nhân Kiệt, nên Vovinam San Jose đã được phát triển tốt đẹp, nhiều người đã biết đến Vovinam qua các công tác thiện nguyện, các cuộc biểu diễn võ thuật, múa lân, múa rồng, hoặc vũ dân tộc hay những cuộc diễn hành chào mừng Giáng Sinh hay Tết Nguyên Ðán, mà Vovinam tham dự  luôn được giải nhất.

        Vovinam San Jose luôn giữ vững truyền thống dân tộc, trong việc gìn giữ phong tục nước Nam. Hằng năm Vovinam thường tiếp tay với các hội đoàn để tổ chức lễ giổ Hùng Vương, lễ Hai Bà Trưng, Tết Nguyên Ðán hay Tết Trung Thu và nhất là Lể Giỗ Tổ của môn phái Vovinam Việt Võ Ðạo cho tất cả quí đồng hương tham dự.

        Vovinam San Jose cũng là nơi đầu tiên khởi xướng ra phong trào Thi Ðấu và Hội Diễn Võ Thuật tại Hải Ngoại, đã tạo nên niềm phấn khởi cho các môn sinh cố gắng luyện tập, tạo điều kiện cho các môn sinh có cơ hội phát huy tài năng, gặp gở, hàn huyên, tâm sự và tìm hiểu thêm về phong trào Vovinam ở các nơi khác, phong trào này đã được tiếp nối ngày một vững mạnh với nhiều võ đường từ xa về tham dự, và sẽ còn mở rộng hơn trong tương lai.

        Vovinam San Jose cũng là nơi đầu tiên khởi xướng ra phong trào THI VÕ ÐẠO nhằm mục đích huấn luyện cho môn sinh trở nên những người TÀI -ÐỨC SONG TOÀN: 

Văn không Võ, Văn thành nhu nhược.
Võ không Văn, Võ hoá bạo tàn

        Vovinam San Jose là nơi duy nhất tại hải ngoại do một nữ môn sinh quản lý và điều hành với biết bao thăng trầm suốt 20 năm qua từ 1983 cho đến nay. 

        Xin mời quí vị bước vào hành trình Vovinam 2.

IV. HÀNH TRÌNH VOVINAM 2. (HẢI NGOẠI)

        Năm 1980, nhắm tình hình quốc nội không thể phát triển Vovinam được nên võ sư Nhàn gởi gắm mọi công việc thăm nuôi võ sư Chưởng Môn lại cho võ sư Sen, võ sư Nhàn dẫn một số huynh đệ rời nước Việt Nam thân yêu trên một chiếc tàu đánh cá nho nhỏ để tìm phương cách phát triển Vovinam tại Hải Ngoại, cuộc ra đi đã trả một giá rất đắt bằng lằn đạn xuyên vào cuống họng, may nhờ có tàu Tây Ðức kịp thời cứu vớt đem vào bờ cứu chửa, nếu không đã bỏ mạng tại biển khơi, mọi người đều cầu nguyện và tạ ơn anh linh sáng tổ đã phù trợ cho chuyến đi. Sau đó cả phái đoàn đã được Tây Ðức nhận vào cho tị nạn và bắt đầu phát triển phong trào Vovinam tại Âu Châu.

        Tôi cũng vượt biên vào một năm sau, khi đến Mỹ, năm 1981, qua sự giới thiệu của võ sư Nhàn và võ sư Lý Hoàng Cát Long, tôi tìm ngay đến võ đường của võ sư Nguyễn Minh Hải, tập luyện, sinh hoạt thật là vui và thâm tình, 2 vợ chồng võ sư Hải rất tốt, tánh tình hoà nhả, điềm đạm, dáng người uy nghi, đỉnh dạc, đối xử với các môn sinh bằng tình thương yêu triều mến như trong gia đình giống như võ sư Nhàn và võ sư Sen đã đối xử với chúng tôi ở miền Tây, Việt Nam. 

        Võ sư Lý Hoàng Cát Long là người giử lữa phong trào Vovinam vào thời bấy giờ, võ sư Long rất năng nổ trong việc liên kết anh em các nơi ngồi lại với nhau, cùng chung làm việc bằng cách tổ chức giổ tổ luân chuyển hằng năm. Tôi đã dự qua các kỳ giổ tổ đầu tiên từ: Raleigh, North Carolina do võ sư Nguyễn Văn Phụng tổ chức, đến võ sư Dương Viết Hùng tại Orange County, rồi võ sư Nguyễn Tiến Hoá tổ chức tại York, Pennsylvania, võ sư Ngô Hữu Liễn tại Houston, Texas.. San Jose - California, rồi những khóa đặc huấn tại Chicago do võ sư Bé tổ chức..... vào thời đó các anh em đoàn kết làm việc với nhau rất vui vẽ và thâm tình.

        Thời gian nầy chúng tôi được võ sư Nguyễn Tiến Hóa đến viếng thăm võ đường và kể cho nghe chuyến hành trình trên biển đông đầy gian nan, khổ hạnh, một chuyến đi phải hy sinh cả vợ, con. Chúng tôi cũng được hân hạnh đón tiếp võ sư Diệp Khôi đến từ Úc Châu, Võ sư Khôi đã cùng chúng tôi ôn luyện võ thuật và hàn huyên tâm sự suốt 2 ngày, võ sư Khôi là một người giỏi võ, vui tính, nhanh nhẹn, tính tình cởi mỡ, và rất nhiệt thành. 

        Ðến năm 1983, võ sư Nguyễn Minh Hải đóng cửa võ đường và gom lớp tập về tập luyện sau sân nhà. Riêng tôi, với tâm nguyện tha thiết muốn được đóng góp chút công sức nhỏ bé trong việc phát triển Vovinam tại Mỹ, nên tôi tự đứng ra thành lập võ đường riêng. Là một người nữ, mới mang lam đai III cấp, đứng ra mở võ đường là cả một vấn đề khó khăn. Nhưng tôi đã trải qua 1 năm thụ huấn trường huấn luyện thể dục thể thao Sài Gòn, tôi đã được học rất nhiều về phương cách tổ chức, huấn luyện, chỉ huy và lãnh đạo, qua 5 năm làm huấn luyện viên cho trường trung học cấp III thành phố, đã từng dạy thể dục cho hàng ngàn học sinh, và đã từng huấn luyện cho các đội điền kinh: ném tạ, leo dây, nhảy cao, nhảy xa, chạy tốc lực, thể dục đồng diễn và các đội bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ... mỗi lần ra quân thi đấu là đội của tôi lúc nào cũng thắng giải . Nên việc mở lớp võ đối với tôi không thành vấn đề, trước tiên tôi tạo dựng một lớp tập nho nhỏ trong vòng những người quen biết, huấn luyện một số cán bộ nòng cốt trước, rồi sau đó mới phát triển ra quần chúng.

        Nhờ quen với một số bạn trong trường đại hoc như: vợ chồng giáo sư Cung Nhật Tân, Bác sỉ Nguyễn Tiến Hội, được họ khuyến khích, bằng lòng cho mượn chỗ tập và cho con mình theo tập võ, tôi mới thành lập lớp võ đầu tiên với 14 môn sinh gồm có: 4 đứa cháu của tôi là Chim Anh Dũng, Anh Việt, Anh Huy, Anh Quốc, 3 đứa con của giáo sư Cung Nhật Tân là: Nhật Dũng, Nhật Xuân, Thu Nga, 3 đứa con của Bác sĩ Nguyễn Tiến Hội là: Quỳnh Dung, Quang Huy, Quỳnh Vân, con một vài người bạn như: Lê Hồng Hải, Kim Yến , Dũng...... lớp võ đầu tiên nầy đã gây niềm tin và tạo đà tiến cho tôi, từng bước, từng bước chậm rải, nhưng vững chắc tiến về tương lai. 

        Năm 1982 trong một chuyến đi dự lễ giỗ tổ tại Raleigh, North Carolina của võ sư Nguyễn Văn Phụng, tôi đã quen với huấn luyện viên Trần Bình , gặp lúc huynh Bình đang thất nghiệp tôi liền mời huynh Bình về San Jose để cùng nhau sinh hoạt, từ đó lớp võ San Jose ngày được phát triển lớn mạnh hơn. Võ sư Hải và các môn sinh hoàng đai của võ sư Hải luôn tích cực yễm trợ cho chúng tôi bất cứ khi nào chúng tôi cần như trong các buổi lễ của môn phái hay trong các cuộc biểu diễn, đi sinh hoạt ngoài trời.... 

        Năm 1986 Bác sĩ Nguyễn Tiến Hội đã khai mở cho chúng tôi bằng một giấy phép hoạt động dưới một hội đoàn thiện nguyện, năm 1987 nhờ nữ họa sĩ Quế Hương giới thiệu chúng tôi đến với luật sư Bruce Burn để làm by law, ID Tax number, rồi sau đó nhờ đến tiến sĩ John Moore giúp hoàn tất giấy xin miễn thuế (tax exempt) của chính quyền tiểu bang và liên bang. 

        Từ một lớp tập trong Sân nhà người bạn ở đường Bendmill, chuyển đến nhà của tôi ở đường Calero, từ 14 môn sinh lên tới 25 môn sinh, một lớp tập trong nhà xe, một lớp tập sau sân nhà, thời gian tập ở nhà này có võ sư Nguyễn Thế Hùng ở Texas đến viếng thăm trong lúc lớp võ đang tập ngoài sân (lúc đó võ sư Hùng mang Hoàng Ðai II Cấp cùng đai với chúng tôi) . Càng ngày các môn sinh và phụ huynh giới thiệu thêm người vào tập, lớp trở thành đông đảo, giáo sư Cung Nhật Tân giới thiệu chúng tôi với hội Phụ Huynh Và Giáo Chức quận Santa Clara, nhờ sự bảo trợ của chủ tịch hội phụ huynh: Gíao sư Nguyễn Thành Trọng rồi đến giáo sư Nguyễn Trung Hòa, nhờ vào giấp phép hoạt động thiện nguyện nên tôi mượn được trường tiểu học Kennedy và đặt trụ sở ở đây 10 năm với sự tiếp tay giãng dạy của các Huấn Luyện Viên: Ðổ Văn Phước, Trịnh Bỉnh Khôn, Dương Thanh Vân, Lê Hồng Hải, thỉnh thoảng các hoàng đai lớp võ sư Hải cũng thường xuyên xuống yểm trợ và tập luyện.

        Với chủ thuyết Cách Mạng Tâm Thân, Môn phái Vovinam Việt Võ Ðạo muốn nung đúc và cống hiến cho đất nước những người con yêu có đầy đủ năng lực và ý chí tất thắng, trong một thân thể khoẻ mạnh, một trí tuệ minh mẩn và một tâm hồn cao thượng, để có thể hữu hiệu bảo vệ cho tổ quốc, đo đó ngoài phần huấn luyện Võ thuật, chúng tôi còn dạy về võ đạo: Tác phong đạo đức, cách cư xử trong gia đình, ngoài xã hội, nếp ăn, nếp ở .... cho người môn sinh, nhất là 12 đức tính căn bản mà người môn sinh nào cũng bắt buộc phải ghi nhớ và thực hành đó là: NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ, TÍN, TRUNG, DŨNG, CẦN, CẨN, LIÊM, KHIÊM, KIỆM. Do đó các phụ huynh chẳng những thích cho các con mình theo luyện tập mà còn giới thiệu những người khác vào sinh hoạt với Vovinam, cho nên Võ đường San Jose đặc biệt từ xưa tới nay không bao giờ quảng cáo để thâu nhận môn đồ, đa số do các môn sinh, phụ huynh truyền miệng và giới thiệu người đến tập, mà sĩ số lúc nào cũng đông đảo. 

        Võ đường Kennedy là nơi đã từng đón tiếp võ sư Nguyễn Dần đến thăm viếng, vợ chồng võ sư Phi Long ở Pháp (lúc đó mới là hoàng đai I cấp) võ sư Tạ Quang Việt ở Los Angeles (lúc đó là hoàng dai II cấp) Nơi này cũng đã từng đón tiếp võ sư Trần Văn Bé về giảng dạy từ năm 1986 đến 1987. Nhờ võ sư Bé chúng tôi được học thêm một số đòn ở trình độ cao hơn, võ sư Bé người to con, vam vỡ, chân thật, võ thuật rất giỏi, siêng năng tập luyện, là một người có tài, võ sư Bé rất khéo tay, tỉ mĩ, chính tay võ sư Bé đã làm cho chúng tôi từng cây kiếm, từng cây đao bằng những dụng cụ thô sơ cưa, giũa bằng tay, và nhờ bạn thầy Bé chúng tôi đã đúc được bộ Bát Bửu để làm giá thờ chưng bày trong những buổi lễ và còn sử dụng cho đến ngày hôm nay. Võ sư Bé học võ với võ sư Chưởng Môn, lập gia đình với cô Lài cũng là một võ sư trong môn phái và do chính võ sư Chưởng Môn làm chủ hôn, nên võ sư Bé rất thông cảm và luôn yểm trợ cho những người nữ hoạt động cho môn phái.

        Năm 1985 trong cuộc biểu diễn hội chợ TẾT tại San Jose, chúng tôi gặp được võ sư Lê Trọng Hiệp đến chào hỏi và nói là đã tập từ thời Sáng Tổ, vào thời chưa có võ phục, sau nầy võ sư Hiệp giúp đỡ Vovinam được phát triển tại Nha Trang nên được võ sư Chưởng Môn phong cho hồng đai I cấp. Trọng tình đồng môn, chúng tôi liên lạc thường xuyên với võ sư Hiệp và đã mời võ sư Hiệp dự lễ giỗ tổ môn phái hằng năm. Từ đó võ sư Hiệp mới liên lạc được với những võ sư khác trong môn phái, nhất là năm 1987 chúng tôi đã cùng với võ sư Trần Văn Bé tổ chức lễ giỗ tổ thật lớn tại San Jose với sự tham dự của Phu Nhân sáng tổ (Bà nguyễn Lộc) và một số võ sư từ nơi khác về như: Võ sư Dương Viết Hùng, võ sư Lê Ngọc Ngoạn ( lúc đó hoàng đai II cấp) Orange County, võ sư Lê Văn Huy Los Angeles (lúc đó mới hoàng đai I cấp), võ sư Ngô Hữu Liển, võ sư Lê Văn Phúc Texas, Võ sư Phan Quỳnh, võ sư Tống Minh Ðường (lúc đó Hoàng đai II cấp) San Diego, Võ sư Lý Hoàng Cát Long, võ sư Phạm Văn Bảo (lúc đó hoàng đai II cấp) Chicago, võ sư Nguyễn Văn Phụng Raleigh NC...với số lượng quan khách trên một ngàn người. Ðây là lễ giổ tổ lớn nhất tại hải ngoại với chi phí $10,000 (mười ngàn đô), võ sư Cẩm Bình và Trần Bình (lúc đó hoàng đai II cấp) đã cho các em đi gây quỹ rất cực khổ bằng cách: Ði rửa xe tại các kho xăng, đi bán thức ăn trong các hội chợ TẾT, đi bán từng thỏi kẹo Sô cô la (chocolate), đi quyên tiền các cơ sở thương mại, các nhà mạnh thường quân, nhất là sự đóng góp nồng nhiệt của các võ sư, huấn luyện viên, môn sinh và phụ huynh của miền Bắc California. Cũng nhờ chính võ sư Bé đã thấy được tâm huyết và sự làm việc của chúng tôi nên đã yểm trợ hết mình cho buổi lễ được thành công tốt đẹp. 

        Nhờ Võ Sư Trợ Huấn Quách Hữu Thạnh, tờ báo kỹ yếu VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO Hải ngoại đầu tiên được ra đời. Trên bục diễn đàn, trước mặt hàng ngàn quan khách, Phu Nhân Sáng tỗ đã cám ơn sự đóng góp của toàn thể môn sinh Vovinam, và kêu gọi mọi người hảy đoàn kết và thương yêu nhau để cùng nhau xây dựng môn phái Vovinam ngày một phát triển vững mạnh để khỏi phụ lòng kỳ vọng của Sáng Tổ. Cũng trong dịp giổ tổ này, võ sư Trần Duy Lợi (lúc đó mới mang hoàng đai I cấp) đã tìm đến hỏi thăm và sinh hoạt lại, với sự bảo trợ của võ sư Cẩm Bình, võ sư Duy Lợi đã khai mở ra phong trào Vovinam Việt Võ Ðạo tại thành phố Oakland và vẫn giử vững sinh hoạt cho đến ngày hôm nay. Võ sư Lợi là người rất chân thật, tận tụy, hy sinh nhiều thời giờ cho lớp võ và luôn trung thành với môn phái, làm việc gì cũng hội ý với cấp trên.

        Trong những thời gian 1985 - 1988, có những lúc tôi bụng mang bầu tay chăn dắt con thơ mà vẫn đi dạy võ cho tới ngày sanh, sanh xong 1 tháng đi dạy võ tiếp tục. Tôi nghỉ rằng trong môn phái chúng ta nói riêng và các võ phái khác nói chung từ xưa tới nay chắc chưa hề xảy ra việc này. Chính ở điểm này mà tôi được sự hậu thuẩn nồng nhiệt của các đồng hương, các hội đoàn, nhất là Hội Phụ Huynh và Giáo Chức hạt Santa Clara và Hội Phụ Nử Việt Nam Hải Ngoại tại miền Bắc Cali. Giáo sư Nguyễn Trung Hòa, Cụ bà Phạm Trương và tiến sĩ Tô Thị Diễm là những người yểm trợ tích cực nhất cho phong trào Vovinam, nhờ vậy mà Vovinam phát triển được đều đặng và thuận lợi, ngày một đi lên. 

        Nhờ vào sự giới thiệu của tiến sĩ Tô Thị Diễn (giáo sư đại học), phong trào Vovinam bắt đầu đưa vào trường học trong chương trình sau giờ học tại trường: Sylvandale, Fair Middle School (San Jose), Moroda Middle School (Stockton). Cũng nhờ cô diễn, Vovinam bắt đầu được các trường học mời đi biểu diễn, từ đó dần dần đến các cơ quan chính quyền, các hội đoàn Việt và Mỹ mời diễn liên tục hàng năm.

        Võ sư trợ huấn Trần Bình từ South Carolina về sinh hoạt với San Jose, rất là hăng hái, tinh thần tràn đầy nhiệt huyết, đi làm mỗi ngày về là chạy đến lớp võ để tiếp tay dạy võ với tôi, có những lúc sở kêu làm thêm giờ, nhưng huynh Bình không chịu làm nhất định về đúng giờ để dạy võ. Huynh Bình coi việc dạy võ là niềm vui thích sau những giờ làm việc mệt nhọc. Chúng tôi đã xây dựng lớp võ lên ngày một đông đảo, trên 160 môn sinh tại phòng tập của trường Kennedy, chúng tôi phải chia giờ, chia lớp tập từ trong phòng tập cho đến ngoài sân. Huynh Bình, huynh Phước, huynh Khôn, và tôi mổi người đứng dạy một lớp với sự phụ tá của các hoàng đai: Vân, Lâm, Thanh, Hải... Ðến năm 1987, sau kỳ tổ chức giổ tổ tại San Jose, nhận thấy môn phái có nhiều mâu thuẩn, xung đột, anh em công kích lẫn nhau, chia bè kết phái, làm cho huynh Bình nản lòng, nên quyết định rửa tay gát kiếm không sinh hoạt nữa. Chỉ còn tôi một mình đứng ra gánh vác lớp võ với một số môn sinh phụ tá, lớp võ vẫn sinh hoạt đều đặng không ngừng nghỉ. Vì tôi quan niệm rằng, chúng ta đi làm võ đạo là lo cho thế hệ thanh niên, xây dựng môn phái, giúp ích và hiến ích cho đất nước chớ không phục vụ cho bất cứ một cá nhân nào cả, ai làm đúng thì mình hợp tác làm việc chung, còn nếu không hợp ý thì đường ai nấy đi, việc ai nấy làm.

        Huynh Bình thường hay cằn nhằn : Ai qua Mỹ, cũng lo làm ăn, buôn bán, cất nhà cửa lên đồ sộ, mình cứ đi làm Vovinam hoài biết chừng nào bằng được người ta!.. Tôi khuyên nhủ huynh Bình là đời người sống không có bao nhiêu năm, làm cực khổ, có gia tài nhiều rồi chết có mang theo được gì không ? hay chỉ là 2 bàn tay trắng, tôi đã từng chứng kiến nhiều người chết đem chôn nằm chỉ có 3 tất đất, hoặc là đem thiêu rồi rải tro cốt dưới sông, như vậy chúng ta phải bon chen, tranh đấu để làm gì? Có những người giàu chưa chắc đã hạnh phúc, tôi chủ trương: đủ ăn, đủ mặc, cuộc sống hạnh phúc là quí rồi, vì mổi người giàu hay nghèo đều có số mạng đã định sẳn, nếu số nghèo, bươn chải cách mấy thì nghèo vẫn hoàn nghèo.... sinh hoạt Vovinam, giúp cho thế hệ trẻ là việc cần phải làm. Chúng tôi vui khi nhìn thấy môn sinh trở thành những người tốt và thành công trong xã hội, chúng tôi hạnh phúc khi nhìn những đứa trẻ nô đùa hồn nhiên, người ta có tiền thì đi du lịch, mở tiệc, đánh bài, nhảy đầm, còn tôi không tiền thì sinh hoạt với các em nhỏ, cho các em một cái bánh, một cái kẹo, một món quà nho nhỏ, các em hớn hở vui mừng, chúng tôi cảm thấy tràn niềm tin yêu và hạnh phúc với niềm vui của tuổi trẻ, sinh hoạt với tuổi trẻ cảm thấy đời tươi trẻ hơn.

        Năm 1990 San Jose được hân hạnh đón tiếp phái đoàn Âu Châu võ sư Nguyễn Văn Nhàn cựu Cục Trưởng Cục Huấn Luyện Miền Tây, Việt Nam ngày xưa, nay là võ sư trưởng Phong trào Âu Châu, tháp tùng theo võ sư Nhàn có võ sư Trang phước Ðức (Paris - Pháp), võ sư Nguyễn Trung Cang (Hòa Lan) sang tham dự đại hội Vovinam Việt Võ Ðạo được tổ chức tại Orange County, Nam Cali. Chúng tôi mời võ sư Nhàn đến viếng thăm lớp tập và sinh hoạt chung với một số thân hửu, phụ huynh Bắc Cali.

       Ðây là điểm mốc lịch sử của Vovinam Việt Võ Ðạo tại Hải Ngoại, lần đầu tiên võ sư chưởng môn đã ủy thác trọng trách cho các võ sư tại Hải ngoại để thành lập đại hội Vovinam có tầm mức Quốc Tế tụ họp về Nam Cali để bầu ra một ban lãnh đạo cho môn phái tại Hải Ngoại. đại hội đã qui tụ được một số võ sư và huấn luyện viên các nơi về từ Úc Châu, Âu Châu và Mỹ Châu, võ sư Nguyễn Dần là bào đệ của võ sư sáng tổ được bầu làm chủ tịch tổng liên đoàn quốc tế, nhưng rất tiếc ban chấp hành được giải tán sau đó không lâu vì tình trạng lạm phát đai đẳng. 

        Năm 1992, lớp võ được dời về trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên: Roosevelt Center, vì tôi là nhân viên của chính phủ nên chỗ tập được sử dụng miễn phí khỏi trả tiền, vì thế chúng tôi chỉ lấy lệ phí tượng trương để gây quỹ sinh hoạt và miễn phí cho những gia đình nghèo. 

        Chương trình võ thuật tại Việt Nam tôi chỉ học đến Lam đai III cấp, sang Mỹ tập luyện thêm với võ sư Hải và võ sư Diệp Khôi, rồi đến võ sư Bé, nhưng cũng chưa đến đâu, nên năm 1992, tôi quyết định làm chuyến du lịch về Tổ Ðường Việt Nam để học thêm. Bài bản môn phái quá nhiều, suốt một tháng trường tôi cư ngụ tại Tổ Ðường, cố gắng luyện tập ngày đêm, sáng sớm lên sân thượng tập với chưởng môn, xong xuống võ đường tập với lớp hoàng đai do võ sư Sen dạy, buổi trưa tập luyện chung với các võ sư các nơi về, buổi tối luyện tập thêm với các môn sinh hoàng đai như: Vương Tuấn và Quốc Trung ở tại tổ đường.

        Năm 1995, Mẹ bị bệnh nặng, tôi phải về thăm và chăm sóc thuốc men cho Mẹ, nhờ một số thuốc từ Mỹ mang về, mẹ tôi đỡ bịnh, tôi lại trở lên Tổ Ðường luyện tập võ tiếp tục và được võ sư chưởng môn cho thi lên Chuẩn Hồng Ðai. Võ sư Châu Minh Hay ở Tuy Hoà, Hoàng đai Quốc Trung và Ðặng Vinh đã chịu đòn dùm cho tôi. Khi trở về Mỹ, ông xếp của tôi (Mr. Art Nĩno) tại Roosevelt di chuyển về làm tại khu Santee, ông ta yêu cầu tôi mỡ thêm lớp tập tại Trung tâm Santee. Từ đó đến nay 2 trung tâm này hoạt động được vững mạnh, đã tạo được tiếng vang tốt trong môn phái, trong cộng đồng Việt cũng như Mỹ qua những công tác từ thiện, những cuộc biểu diễn, diễn hành...

        Năm 1999, tôi cùng với 2 huấn luyện viên: Trương Công Minh và Trương Công Thông về tổ đường luỵên tập lần nữa, mổi người bỏ ra một tuần để về thăm quê nội, quê ngoại xong là trở về tổ đường luyện tập ngày đêm, trời mùa hè nóng nực, chúng tôi tập, mồ hôi vã ra như tắm, ướt từ trên đầu ướt xuống, phải thay đổi đồ ngày 3 bộ. Sau khi tập luyện với chưởng môn vào mổi sáng sớm, tôi xuống võ đường tập chung với phái đoàn Pháp, một số võ sư và huấn luyện viên trong nước, võ sư Sen, Võ sư Vang, võ sư Nam, võ sư Cường hết lòng chỉ dẫn từng kỹ thuật, sau đó chúng tôi ôn luyện lại với HLV. Ðặng Vinh và Tố Nga. 

        Võ sư Sen thấy chúng tôi cứ tập luyện khổ cực quá nên đề nghị tổ chức chuyến đi Ðà Lạt để thư giản tinh thần, vì đã ba kỳ về Việt Nam tôi chỉ lo tập võ chưa được đi đâu cả, sẳn dịp cho Minh & Thông biết phong cảnh đẹp ở Ðà Lạt luôn. Chuyến đi Ðà Lạt thật là lý thú và vui vẽ, lần đầu tiên tôi mới thấy được núi non hùng vĩ và cảnh đẹp của nước Việt Nam. Chúng tôi đã dạo qua các công viên: Thung Lũng Tình Yêu, Hồ Than Thở, Hồ Xuân Hương, Ðồi Thông 2 mộ, chùa Trúc Lâm Thiền Viện, cung Vua Bảo Ðại, và mấy ngọn thác thiên nhiên ở Ðà Lạt, chúng tôi, cởi ngựa và đi đò vô trong rừng, Tại thành phố Ðà Lạt chúng tôi gặp được võ sư Nguyễn Công Hoá và cô Minh Tâm là người đã khai mở phong trào Vovinam vùng cao nguyên này. Chuyến về chúng tôi chạy vòng qua Tháp Chàm và viếng thăm võ đường Phan Rang do nữ VSTH Vưu Thị Niên điều hành. Sau 3 tuần lễ tập luyện, Võ sư Sen kiểm soát lại tất cả đòn thế, và luận án của tôi rồi trình lên võ sư chưởng môn và hội đồng võ sư, tôi cùng với Minh và Thông được chấp nhận cho thi lên đai trước mặt tất cả võ sư và huấn luyện viên tại Tổ Ðường. Vưu Ðặng Vinh và Tố Nga lại cực khổ chịu đòn cho tôi. Chúng tôi trả công bằng một chầu nước mía và bánh kem flan.

        Năm 1999, Võ đường San Jose được tổ đường tăng viện thêm VSTH Nguyễn Phi Hùng, từ đó phong trào Vovinam được phát triển vững chải hơn, Võ sư Ðặng Hữu Hào ở Ðức Quốc gởi HLV/CC Cao Hữu Thanh Trung sang tập luyện tại San Jose 8 tháng nhân dịp Thanh Trung sang học chương trình trao đổi sinh viên. Ðược dịp học hỏi miễn phí và cảm nhiểm không khí luyện tập của San Jose, HLV Trung siêng năng, cần cù luyện tập, mổi ngày tan sở là chạy ngay đến lớp tập, trong 8 tháng trường tôi và Phi Hùng đã ôn luyện và thống nhất tất cả đòn thế từ Tự vệ nhập môn cho đến cấp chuẩn hồng đai. VSTH Phi Hùng sửa chửa kỷ càng từng nét diễn tả để bài quyền được linh động và đẹp hơn, nhờ ở sự cố gắng nầy, mà Thanh Trung đã đoạt tất cả các giải nhất trong các môn ghi danh thi đấu và hội diễn kỳ II năm 2000 và đã được ban huấn luyện San Jose cho thi lên hoàng đai III cấp. Một sự thành công làm ngạc nhiên nhiều người. Ðúng với câu: có công mài sắt có ngày nên kim.

        Bác sỉ Werner Trub môn sinh của võ sư Trần Thái Quý ở Thụy Sĩ, dùng 2 tuần lễ nghỉ hè để sang San Jose luyện tập võ thuật, chỉ được đi chơi có một ngày, thật là điều đáng khen, HLV. Trần Quốc Hùng ở Hoà Lan cũng sang ôn luyện, đây là chương trình trao đổi kinh nghiệm và giúp đở đồng môn, chúng tôi luôn mở rộng vòng tay đón tiếp tất cả mọi người trong tình thân ái của đại gia đình Vovinam Việt Võ Ðạo.

        Năm 1990, Khi ban lãnh đạo Vovinam Việt Võ đạo Hải ngoại được thành hình thì ban tổ chức giổ tổ luân chuyển giải tán nhường quyền tổ chức lại cho ban lãnh đạo mới. Riêng tại San Jose vẫn luôn giữ vững truyền thống của môn phái, hằng năm đều tổ chức lễ giổ tổ để các môn sinh ghi nhớ công lao của cố võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc, người đã khai sáng ra phong trào Vovinam Việt Võ Ðạo, tùy theo tình hình tài chánh mà chúng tôi tổ chức lớn hoặc nhỏ khác nhau, đến năm 1998 chúng tôi liên lạc được với các võ đường Washington , Los Angeles và Vancouver, chúng tôi hợp tác nhau lại tổ chức giổ tổ chung trong khối Tây Bắc Mỹ. Tình huynh đệ bốn phương lại được nối kết, các môn sinh sinh hoạt với nhau thật vui vẽ.

        Trong một chuyến thăm viếng South và North Carolina, tôi gặp được võ sư Võ Ước chúng tôi ngồi bàn chuyện với nhau về việc gây dựng phong trào và võ sư Võ Ước đã đề nghị nên tổ chức thi đấu và hội diễn Vovinam tại Hải Ngoại thay vì tổ chức giổ tổ, tôi về bàn lại với các anh em trong khối Tây Bắc Mỹ, các huynh đệ đều đồng ý tổ chức, thế là phong trào thi đấu và hội diễn Vovinam Việt Võ Ðạo tại hải ngoại được thành hình vào năm 1999 tại San Jose với 5 võ đường tham dự như sau: San Jose, Oakland, Canoga Park, Tacoma, Vancouver. Cám ơn võ sư Nguyễn Minh Hải, võ sư Trần Duy Lợi, võ sư: Kiều Công Lang, võ sư Phạm Văn Thành, võ sư Lê Văn Huy, võ sư Lê Văn Thịnh, võ sư Ðinh thành Minh, võ sư Trần Hữu Tuấn Anh, võ sư Thái Nhật Lĩnh, đã yểm trợ cho phong trào thi đấu và hội diễn đầu tiên được thành công. Nhất là võ sư Nguyễn Ðình Thư đã bỏ nhiều công sức lo cho mọi việc được tốt đẹp. Năm kế tiếp 2000 cũng tại San Jose, năm 2001 được luân chuyển sang Vancouver và giải được mỡ rộng cho các võ đường Âu châu như: Pháp và Ðức, năm 2002 tại Los Angeles giải được mỡ rộng hơn với nhiều phái đoàn đến từ âu Châu như: Pháp, Ðức, Thụy Sỉ, Bỉ..., năm 2003 trở về San Jose lần nữa, hy vọng kỳ này sẽ có nhiều phái đoàn tham dự và ban tổ chức sẽ hoàn hảo hơn để các môn sinh được vui vẽ thoải mái khi ra về và sẽ nhớ mãi kỷ niệm về chuyến đi.

        Năm 2001, nhân võ sư Chưởng Môn sang Âu Châu, sẳn dịp tôi cũng làm chuyến du hành sang Âu Châu để viếng thăm phong trào Vovinam bên đó -xin mời đọc bản tường trình hồi ký Âu Châu đã được đăng trong website http://vovinamUS.com trong phần Văn/Essay. Năm 2002, chúng tôi lại được hân hạnh đón tiếp võ sư Chưởng Môn du hành sang USA - xin mời đọc bản tin Võ sư Chưởng Môn du hành USA cũng đăng trong website http://vovinamUS.com trong phần Văn.

        Suốt cuộc đời võ sư Chưởng Môn đã hy sinh cho môn phái, không lập gia đình, không vợ, không con, võ sư Chưởng Môn lại là người con trai duy nhất trong gia đình, không có con, cháu để nối dỏi tông đường, sự hy sinh cho môn phái nầy phải nói là vô bờ bến, cuối cùng về già thầy Chưởng Môn được những gì, tay trắng vẫn hườn trắng tay. Có căn nhà duy nhất do cô Hương (em gái thầy Chưởng Môn) tạo dựng lên với sự đóng góp thêm tiền bạc từ Chưởng Môn, võ sư Sen, võ sư Nhàn và một số huynh đệ trong phong trào Âu Châu, nay đã thành TỔ ÐƯỜNG nơi để tập võ và thờ phụng anh linh sáng tổ, anh linh võ sư Phong.... Chưởng Môn trao cả quyền quản lý tổ đường cho võ sư Sen làm ông Bục giử chùa, Chưởng Môn không màn gì cả, các môn sinh hải ngoại thỉnh thoảng có đóng góp về, Chưởng Môn cũng chia lại cho quý võ sư nghèo trong nước. Cuộc sống của Chưởng Môn rất giản dị, ăn mặc thô sơ, đạm bạc, tình thương của Chưởng Môn đối với môn sinh thật bao la, vô bờ bến, không bút mực nào tả xiết. Lúc nào Chưởng Môn cũng lo lắng cho tiền đồ của môn phái... các võ sư, huấn luyện viên Bắc California vì thấy tấm lòng hy sinh của Chưởng Môn đối với môn phái như vậy, nên mọi người cảm thấy hổ thẹn, bây giờ đã cố gắng hết mình để tiếp tục sự nghiệp phát huy môn phái. Ngay cả chị Thúy Nga phu nhân của võ sư Nguyễn Minh Hải cũng cảm động tấm chân tình của thầy, tự động nhập môn làm môn sinh để tiếp tay với môn phái.

        Trong thời gian qua, tại hải ngoại, môn phái rơi vào tình trạng tự phát, mổi người hùng cứ một phương, không ai chịu nghe ai, chẳng những vậy còn công kích chống đối lẫn nhau, có những người dựng chuyện không thành có, và chuyện có thành không như trường hợp xử dựng những bức thơ rơi giả danh người này, giả danh người kia để chưởi bới, nói xấu và tạo hiềm khích giữa các võ sư trong môn phái. Tôi là một nạn nhân trong số người bị giả danh đó, có người đã lấy tên tôi để viết thơ chống đối võ sư Chiếu ở Việt Nam, công kích võ sư Thành ở Nam Cali, chưởi bới những võ sư khác ở Việt Nam mà tôi chưa hề biết mặt hay biết tên và cũng không biết người đó là ai? sống ở đâu? , điểm đáng buồn cười và lạ lùng là: Tôi là tác giả những bức thơ đó mà tôi không hề hay biết những bức thơ đó gởi đi hồi nào?, nội dung những bức thơ đó nói gì? đã từng viết cho ai? và gởi cho ai? Tại nam Cali, võ sư Thành hỏi tôi có viết thơ chê trách ông ta không?, tôi như từ trên trời rơi xuống, không biết ất giáp gì, vì không biết họ viết thơ nói gì trong đó? tôi chỉ trả lời: Tôi không là tác giả của bức thơ đó, tôi đòi đọc bức thơ xem nôi dung nói gì? nhưng võ sư Huy, võ sư Thịnh võ sư Minh gạt ngang cho là thơ mạo danh bậy bạ đừng quan tâm đến. Rồi tôi lại nhận được điện thư của cựu môn sinh Trịnh Dzương Minh ở Canada gởi qua nói là tôi đã viết thơ chưởi võ sư nào đó ở Việt Nam, và đề nghị tôi nên đính chính, tôi đã đồng ý gởi thông báo các nơi để lên án tình trạng có người đã mạo danh của tôi để tung ra những bức thơ rơi đó. Mới gần đây, võ sư Lĩnh lại cho biết có người mạo danh tôi để công kích võ sư Chiếu ở Việt Nam thơ gởi ra đâu năm 2000 mà cho đến năm 2002 tôi mới được hân hạnh đọc nhờ võ sư Lĩnh chuyển qua bằng điện thư, thật đúng là những kẽ vô lương tâm, không biết họ có âm mưu gì? họ làm để triệt hạ uy tín những người trung thành với tổ đường và chưởng môn, để dể dàng nắm bắt quyền hành?, hay là họ được người khác mướn để làm lũng đoạn và tan rã môn phái Vovinam Việt Võ Ðạo ? ... Mong tất cả hãy đề cao cảnh giác trước những âm mưu không tốt này.

        Tôi luôn tâm niệm rằng: ai gieo gió thì sẽ gặp bảo, trồng nhân nào thì sẽ gặt được quả đó , làm điều xấu sẽ hưởng kết quả xấu, làm điều tốt sẽ gặp được kết qủa tốt, giúp người, cứu người và nâng đở mọi người cùng nhau tiến bộ là phương châm hành xử của tôi. Ðầu đội trời, chân đạp đất, tôi không làm gì trái với lương tâm đạo đức, nên cứ ngẫng mặt nhìn thẳng và tiến bước....Trải qua bao phong ba bảo táp, con thuyền Vovinam Việt Võ Ðạo tại San Jose vẫn cứ sừng sửng hiên ngang tiến bước, không hề nao núng. Tôi đã và đang giữ ngọn lửa Vovinam và sẽ truyền lại cho thế hệ sau và giữ ngọn lửa cháy mãi.

        Tất cả chi tiết về những hoạt động của Vovinam miền Bắc Cali đã được thường xuyên đăng lên trong phần tin tức, và đã được tóm tắt lại trong phần thành tích hoạt động trong luận án của tôi sẽ được đăng lên trong nay mai. xin mời đón đọc trong website http://vovinamUS.com.

        Sự thành công của Vovinam Bắc Cali là nhờ vào sự yểm trợ tích cực của ban huấn luyện gồm trên 20 võ sư và huấn luyện viên đã bỏ nhiều công sức và tiền bạc ra để xây dựng cho phong trào. Tôi xin chân thành cám ơn những đóng góp tích cực của quí vị võ sư, huấn luyện viên, môn sinh, phụ huynh và các nhà mạnh thường quân của miền Bắc California, Hoa Kỳ.

  • Người hăng hái và tích cực khai mở phong trào Vovinam Tại San Jose vào năm 1981 - 1983 là Võ sư Nguyễn Minh Hải.

  • Người hăng hái và tích cực nhất đã bỏ ra bao công lao và tiền bạc tạo dựng phong trào Vovinam vào những năm 1983- 1987 là võ sư Trần Bình.

  • Người trung kiên, bền tâm, bền chí, tà tà giử vững con thuyền độc mộc từ 1987 đến nay là võ sư Trần Duy Lợi tại Oakland.

  • Người có công nắn nót từng đòn thế, tay chân cho các môn sinh trong những cuộc biểu diễn từ 1999 đến nay là võ sư trợ huấn Nguyễn Phi Hùng

  • Người có công lo lắng từng miếng ăn cho môn sinh và quan khách trong các buổi lễ của môn phái là cô Thúy Nga.

  • Người luôn đứng ở mặt trong, không ai biết đến, nhưng lại có công rất nhiều đối với môn phái, người đã lo tất cả mọi giấy tờ, liên hệ với chính quyền, các công ty... tiếp tân quan khách, yểm trợ ẩm thực cho các buổi lễ và biểu diễn từ lúc thành lập cho đến nay là cô Duy Thanh.

  • Võ sư Hải và tất cả các môn sinh hoàng đai San Jose như: Hùng, Hằng, Minh, 
    Thông, Kiên, Trúc, Rin, Phương, Hiển, Trung, Phú Nguyễn, Phú Dương, Thành, Khôn, Toàn, Tuấn, Tân, Hải.....là những người đóng góp tích cực nhất về tài chánh cũng như về mặt tổ chức trong sinh hoạt môn phái.

  • Các môn sinh hoàng đai và lam đai của 2 võ đường Oakland và San Jose là những người tập luyện khó nhọc nhất để hoàn thành những cuộc biểu diễn xuất sắc trong các cuộc thi đấu và hội diễn võ thuật trong cũng như ngoài môn phái. Đáng kể nhất là các em hoàng đai: Minh, Thông, Hùng, Kiên, Hằng, Anna, Lộc, Vàng...

  • Chúng tôi cũng không quên cám ơn võ sư Trần Văn Bé đã giúp Vovinam Bắc Cali tiến từng bước vững chắc trong những năm 1986 - 1987.

  • Các Ông Trần Mạnh Hoà, Trương Bổn Tài và cô Cẩm Vân trong hội Tết Trung Thu hằng năm của San Jose đã khuyến khích và yểm trợ để thành lập đội Lân, Sư, Rồng cho Vovinam vào năm 1992.

  • Đoàn múa dân tộc Vovinam và đoàn Lân Vovinam đã yểm trợ tài chánh rất nhiều cho võ đường Vovinam qua các cuộc biễu diễn và gây quỹ. Vovinam tồn tại và sinh hoạt được rần rộ là nhờ vào 2 đoàn nầy. 

  • Cám ơn quí vị phu huynh môn sinh đã khó nhọc đưa rước con em trong những buổi học tập cũng như biểu diễn, tham gia trong các cuộc diễn hành và nhất là phụ giúp ẩm thực trong các buổi lễ của môn phái.



XIN CÁM ƠN TẤT CẢ
TRÂN TRỌNG KÍNH CHÀO!
BÀN TAY THÉP ĐẶT LÊN TRÁI TIM TỪ ÁI!

VÕ SƯ CẨM BÌNH




 


 

..