TÌNH NGHĨA ĐỒNG MÔN (1)
VVNNEWS


Lời của Ban biên tập: VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO HẢI NGOẠI sẽ có một loạt bài giới thiệu về những tình nghĩa đồng môn giữa các môn sinh trong các võ đường khắp nơi trên thế giới, nhằm mục đích tạo thêm tình nghĩa thân thương gắn bó với nhau trên bước đường phát huy môn phái tại Hải Ngoại. Đây là những bài viết nói về những sinh hoạt, tình cảm của những môn sinh quen biết hoặc không quen biết với nhau từ trước mà lại tự tìm đến với nhau để sinh hoạt, tập luyện. Ban biên tập cũng mong đón nhận những bài viết của các đồng môn khắp nơi để chúng ta chia xẻ những nổi niềm vui buồn trên hành trình xây dựng và phát triển môn phái Vovinam Việt Võ Đạo.

Vovinam là một đại gia đình, trong đó các môn đồ thương yêu và kính trọng lẫn nhau, sự kính trọng và thương yêu đó đan kết thành một kỷ luật môn phái, một giềng mối vững chắc.

Vì là một đại gia đình, cho nên hễ nói là môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo, dù quen hay khộng quen trước đó, chúng ta đều đến với nhau với một thâm tình đặc biệt: Tình nghĩa đồng môn, tình cảm của một đại gia đình... Một tình cảm đáng quý và chân thành mà chúng tôi chỉ tìm thấy ở môn phái Vovinam Việt Võ Đạo.

Tại miền Tây, trước năm 1975, võ sư Nhàn, võ sư Sen đã hướng dẫn và dạy dỗ chúng tôi chí tình, xem như người trong gia đình và các huynh đệ chúng tôi đối xử với nhau như anh chị em ruột thịt, mỗi lần sinh hoạt họp mặt, gặp gỡ nhau, đều tràn đầy kỹ niệm, mỗi lần chia tay, là lòng bùi ngùi không nở rời xa... Xa nhau rồi, lòng chúng tôi luôn nhớ thương nhau, và thường hay viết thơ cho nhau với những lời lẽ nồng thắm thiết tha, mong có ngày gặp lại Chính vì thế mới có danh từ: Huynh, Đệ để gọi nhau. Danh xưng Huynh, Đệ nầy có nghĩa là: Huynh đệ chi binh, sống chết có nhau; cùng chung một môn phái, là anh chị em một nhà, có phước cùng hưởng, có nạn cùng chia. Chúng tôi yêu thương và kính trọng lẫn nhau, trên bảo dưới nghe, chúng tôi đối xử với nhau một cách chân tình và thành thật, không so đo hơn thiệt, không mưu mô, không xảo quyệt, không gian dối, không hại nhau, không nói xấu nhau. Chính vì thế, tình cảm chúng tôi mới tồn tại được lâu dài, tuy đã xa nhau 30 năm mà khi gặp lại tình cảm vẫn không thay đổi, vẫn chân tình, vẫn thương yêu, lo lắng và chăm sóc cho nhau, bây giờ người nào cũng già hơn, đã có gia đình, có con đàn cháu đống, cuộc sống mỗi người một khác hơn, nhưng tình nghĩa đồng môn vẫn bất diệt, chúng tôi vẫn đến với nhau với một tấm lòng quí trọng và thân thương như tự thưở nào.

Do đó, trong sinh hoạt Vovinam bất cứ môn sinh nào dù không quen biết trước , nhưng hễ nói là môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo là chúng tôi tìm đến với nhau và đối xử với nhau rất chân tình, thành thật. Ai đến thăm chúng tôi cũng đều tiếp đón nồng hậu, khi tiễn biệt ra đi chúng tôi đều bùi ngùi thương cảm.

Nay ra đến hải ngoại, chúng tôi vẫn giữ những tình cảm nồng thắm như xưa, dù thân, quen, hay sơ khởi, dù không quen biết nhau từ trước, cứ nói là môn sinh Vovinam là chúng tôi đón tiếp nồng hậu, luôn vui lòng khách đến, và vừa lòng khách đi, mọi người khi đến San Jose ra về rồi đều có những kỷ niệm khó quên. Chúng tôi không dùng bạc vàng, cao lương mỹ vị để chiêu đãi mà chúng tôi dùng những chân tình, dùng tấm lòng thành thật để kết chặt tình đồng môn với nhau. 

San Jose đã từng tiếp đón không biết bao nhiêu là khách viếng như từ Việt Nam có: Võ sư Chưởng Môn.
Từ Âu Châu có: võ sư Nguyễn Văn Nhàn, võ sư Trần Thái Quý, võ sư Trang Phước Đức, Võ sư Trung Cang, võ sư Dương Quan Việt, võ sư Nguyễn Thành Xê, VSTH. Bùi Long Cữu, VSTH Trần Quốc Hưng, VSTH Cao Hữu Thanh Trung, võ sư Phi Long... Từ Úc Châu: võ sư Diệp Khôi. Từ Mỹ Châu: Có Phu Nhân Sáng Tổ, Võ sư Nguyễn Dần, võ Sư Trần Văn Bé, võ sư Dương Viết Hùng, võ sư Phạm Mẫn, võ sư Lý Hoàng Cát Long võ sư Lương Thuận Vui, võ sư Nguyễn Đình Thư, võ sư Lê Thị Kim Liên, Cô Hoàng Nghĩa, võ sư Nguyễn Tiến Hóa, võ sư Võ Trung, võ sư Lê Trọng Hiệp, võ sư Phan Quỳnh, võ sư Ngô Hữu Liễn, võ sư Kiều Công Lang, võ sư Trần Văn Vịnh, võ sư Phạm Văn Thành, võ sư Lê Văn Huy, võ sư Lê Văn Thịnh, võ sư Đinh Thành Minh, võ sư Lưu Kim Lan, võ sư Thái Nhật Lĩnh, võ sư Trần Hữu Tuấn Anh...

Và một số huấn luyện viên cũng như là môn sinh khắp nơi nhân cơ hội du lịch đến viếng thăm hoặc tới để học đòn, đặc huấn, trao đổi võ thuật.

Người mà tới San Jose tập huấn lâu nhất là VSTH Cao Hữu Thanh Trung ở Tây Đức, tập 8 tháng, ngày tập từ 2 đến 3 tiếng, và học 5 ngày một tuần, thời gian gấp 3 lần so với những lớp tập bình thường ở những nơi khác. Bác sĩ Werner Trub ở Thụy Sĩ dùng trọn một tháng nghỉ Hè sang San Jose để tập võ, những người khác thì vài ba ngày sinh hoạt giao hữu, có người thì ghé thăm một buổi rồi ra đi...

Đặc biệt có Cô Kim Thanh ở Texas mỗi năm nghỉ hè đều sang San Jose để tập võ một tháng, tuy cô đã lớn tuổi nhưng lại rất siêng, và kiên nhẫn, đến tập võ mỗi ngày, một tuần 6 ngày cô đều có mặt từ 5 giờ chiều đến 7 hoặc 8 giờ tối, đôi khi các nữ môn sinh đến sớm để tập múa lúc 4 giờ cô cũng đến tập lúc 4 giờ.

Cô Trần Kim Thanh đang tập đòn với môn sinh Hương Lê

Cô Trần Kim Thanh nhập môn vào tháng 3 năm 2003, tập với võ sư Võ Trung tai Houston Texas, tháng 7 năm 2003 cô sang San Jose thăm mẹ và chị, và đã đến võ đường San Jose thụ huấn với võ sư Cẩm Bình một tháng, đồng thời có tham dự đại hội thi đấu và hội diễn võ thuật kỳ 5th năm 2003. Năm nay cô cũng sang San Jose thăm mẹ và chị, và tiếp tục đến 2 võ đường Santee và Roosevelt tập luyện hằng ngày.

Năm nay cô thấy các môn sinh đánh bài quạt trong đẹp mắt, nên có ý muốn học, võ sư Cẩm Bình sẵn sàng hướng dẫn suốt mấy tuần liền, cô tập rất cần mẫn và siêng năng, cô cứ đứng luyện hoài, luyện hoài... đây là một tinh thần cố gắng rất đáng khen.

San Jose đón tiếp các môn sinh xa đến tập huấn rất nồng hậu, tận tâm chi bảo, vì chúng tôi hiểu được đi nghỉ hè mà còn đến sinh hoạt với Vovinam đó là một đều đáng quý, tinh thần cao vô cùng, cho nên chúng tôi nể trọng đặc biệt các môn sinh đó muốn học bài gì là chúng tôi đáp ứng nhu cầu liền.

Cô Trần Kim Thanh đang tập luyện với các môn sinh tại Santee.

Thứ Tư ngày 28 tháng 7 cô từ giã San Jose để trở về Texas, các huấn luyện viên đề nghị đãi tiệc tiễn đưa để tỏ tình đồng môn, nên chiều chúa nhật ngày 25 tháng 7 đã tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ để chia tay cùng cô Kim Thanh.

Mỗi người mang một món, theo tiếng Mỹ gọi là Potluck, chúng tôi tập võ từ 4 giờ sớm hơn thường lệ đến 6 giờ là chúng tôi ngồi lại quay quần với nhau để nói chuyện chia xẻ tâm tình với cô Thanh, cô Thanh đã cảm động khi thấy được những tình cảm của các huynh đệ San Jose, ai cũng đối xử với cô thật nhiệt tình, cô cần gì là chỉ dẫn. 

Khi cô mới tới tập, các môn sinh nghe giới thiệu cô là môn sinh từ Texas nghỉ hè sang San Jose tập võ, ai cũng ngạc nhiên và quí trọng vô cùng khi thấy cô đi chơi mà còn nhớ đến Vovinam tìm đến để tập luyện. Mọi người đều quí mến cô tới nói chuyện hỏi han với cô thân mật khiến cô không cảm thấy lẽ loi trong lớp võ toàn là người lạ. 


PHƯƠNG CHÂM HÀNH XỬ CỦA VÕ ĐƯỜNG SAN JOSE LÀ:
CỨU NGƯỜI, GIÚP NGƯỜI VÀ NÂNG ĐỞ
TẤT CẢ MỌI NGƯỜI CÙNG TIẾN BỘ


Do đó tất cả các huấn luyện viên cũng như môn sinh San Jose không bao giờ quản công khó nhọc khi giúp đỡ người khác, và mỗi khi giúp đỡ cũng không bao giờ chờ đợi trả công. Chỉ mong mọi người vui vẽ, được thành công là mãn nguyện. 

Trước khi từ giã ra về trở lại Texas Cô Thanh tâm sự:
- Em thật là ái ngại khi đến võ đường xa lạ để tập luyện, nhưng vì thích học võ quá nên em đến đại, nhưng không ngờ cô đối xử với em quá nhiệt tình, làm em cảm động vô cùng, các anh chị đây ai cũng đều tốt cả. Sang năm nghỉ hè sang San Jose em sẽ tiếp tục đến tập võ nữa. 
Chúng tôi trả lời:
- San Jose sẵn sàng đón tiếp và chờ đợi cô sang vào năm tới. 

Cô Thanh đứng cạnh võ sư Cẩm Bình cùng lớp võ Roosevelt - San Jose

Võ sư Cẩm Bình mời cô Thanh đứng trước lớp để các môn sinh chào tạm biệt và ca ngợi tinh thần cô Thanh, cả lớp vỗ tay khen ngợi, sau đó cả lớp Roosevelt chụp vài tấm hình lưu niệm, các môn sinh và cô Thanh cảm động bịn rịn chia tay, HLV Ngô Tân tiễn cô ra tận xe và tâm sự thêm vài giây phút cuối rồi chia tay... Tình nghĩa đồng môn trong tim những môn đồ chân chính luôn nồng thắm, trường tồn và bất diệt.. 


Sau đây xin mời qúi bạn đọc những lời tâm sự của cô Trần Kim Thanh Texas.

Cô Cẩm Bình, Huy, Lộc, Chú Tân, Anh Việt, anh Tuấn, chị Hương và tất cả môn sinh Vovinam San Jose thân mến:

Em về đến Houston là phải lo cho các cháu tựu trường, nên mãi đến hôm nay mới viết thư được cho cô và các bạn. Cô và các bạn đã dành cho em nhiều cảm tình nồng hậu khiến em rất đổi cảm động. Những người bạn Vovinam San Jose khiến em có cảm tưởng San Jose là nhà thứ hai của em vì ở San Jose em có được thật nhiều bạn tốt. Em rất quý trọng những người bạn tốt này vì thật ra bạn tốt rất khó tìm, nhất là ở xứ Mỹ nầy ai cũng bận rộn với công ăn việc làm.

Em rất cảm phục cô Bình, cô không quản ngại bỏ ra rất nhiều công sức, thì giờ và tiền bạc, để đào tạo cho thế hệ trẻ lớn lên ở đây có cơ hội học hỏi võ gnhệ, đồng thời phát huy tinh thần dân tộc, xây dựng căn bản đạo đức. Trong tuần có 7 ngày cô chỉ nghỉ có một ngày thứ Bảy, còn 6 ngày kia ngày nào cô cũng bỏ ra 3-4 tiếng đồng hồ để hết lòng huấn luyện cho nhiều cấp môn sinh. Người như cô thật hiếm có.

Em đã đọc bài cô viết về cuộc viếng thăm của em; em rất cám ơn cô và các bạn đã mở rộng vòng tay cho em được gia nhập vào Vovinam San Jose, và đã dành cho em những cảm tình nồng hậu nhất. Mỗi khi em đến San Jose chắc chắn em sẽ ghé thăm cô cùng các bạn để kết chặt tình đồng môn giống như cô đã viết. Kỳ tới em sang nhất định em phải học cho xong bài quạt và bài kiếm nữa nhé.

Em chúc cô và các bạn sức khoẻ dồi dào, thân tâm an lạc và võ thuật thăng tiến. Sang năm em sang là ai cũng nhớ lên đai đấy nhé!

Thân ái!
Kim Thanh 




 

..