Vũ Trụ Quan - Nhân Sinh Quan Việt Võ Ðạo

VSCM. Lê Sáng 


I. Lời Nói Ðầu
Môn phái Vovinam-Việt Võ Ðạo là một võ đạo, thoát ra từ ý lực của Cố Võ Sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc từ năm 1938. Sau đó, dần dần cùng với các võ sư môn đệ tâm huyết, đường lối mới được tu bồi, vun đắp, và hình thành rõ rệt thành một võ đạo. 
Võ đạo của Vovinam là một võ đạo thuần túy, dĩ nhiên là không nhận ảnh hưởng trực tiếp của các tôn giáo, triết phái và các đoàn thể chính trị. Nhưng môn phái Vovinam thành thật quan niệm rằng, dù muốn hay không, hệ tư tưởng của môn phái chính là một sản phẩm của xã hội qua các giai đoạn lịch sử của dân tộc ta. 
Ðà lên, xuống của môn phái Vovinam trong suốt hơn nửa thế kỷ thành lập, cũng tùy thuộc một phần nào vào các biến cố của dân tộc. Tới ngày nay, sở dĩ môn phái ta vẫn tồn tại và phát huy được, chính vì Vovinam là một võ đạo, đã có một vũ trụ quan và nhân sinh quan đầy đủ cho các môn đệ. Võ đạo ấy, mỗi ngày được tô bồi thêm, và hình thành rõ rệt. 
Tìm hiểu Việt Võ Ðạo, chính là tìm hiểu về vũ trụ quan và nhân sinh quan của môn phái Vovinam. 
II. Vũ Trụ Quan Việt Võ Ðạo
Vì Việt Võ Ðạo là một sản phẩm của xã hội, của dân tộc, của lịch sử nên vũ trụ quan của người Việt võ sĩ cũng phản ánh khá nhiều sắc thái sinh hoạt toàn diện của dân tộc ta. 
Bốn định lý về vũ trụ quan của người Việt Võ Sĩ là: 
1. Ðịnh lý tam nguyên 
2. Ðịnh lý tam tạo 
3. Ðịnh lý thường dịch 
4. Ðịnh lý miên sinh 
A. Ðịnh Lý Tam Nguyên 
Ðịnh lý hay luật: Những quy tắc căn bản dùng trong việc nhận định, xem xét. 
Có 7 thứ định lý (hay luật) 
1.  Thiên luật: tức luật của trời 
2.  Nhân luật: Tức luật vủa người 
3.  Nhiên luật: tức luật của thiên nhiên và con người 
4.  Dân luật: tức luật về dân sự 
5.  Quân luật: tức luật về quân sự 
6.  Giáo luật: tức luật tôn giáo 
7.  Luật quốc tế: tức những điều luật được áp dụng trong phạm vi giao dịch quốc tế 
Ðịnh lý (hay luật) ở đây là thuộc về nhiên luật, gồm những quy tắc hướng dẫn căn bản để nhận định về thiên nhiên, con người, và xã hội. 
Tam Nguyên 
- Tam: ba 
- Nguyên: nguyên lý 
Ðịnh lý đầu tiên về vũ trụ luận của môn phái Vovinam là công nhận có 3 nguyên lý trong sinh hoạt thiên nhiên, gọi tắt là định lý tam nguyên. Ba nguyên lý đó là: thừa nhận trong sinh hoạt thiên nhiên có nguyên lý tiên nguyên, có nguyên lý vi nguyên, và có nguyên lý quán nguyên. 
1. Nguyên lý tiên nguyên: 
Vạn vật đều do nguyên lý tiên nguyên tác thành 
Nguyên lý ấy là sự thừa nhận mỗi sự mỗi vật đều có cội nguồn. Do đó, các nhà khoa học thì vận dụng mọi thành tựu khoa học để khám phá thiên nhiên, tìm đến nguồn gốc của trái đất, nguồn gốc của con người, còn các tôn giáo nhận có các Ðấng thiêng liêng sáng tạo để lý giải trong mọi vấn đề. Việt Võ Ðạo trực cảm từ các chủ thể hữu hình, hữu hiệu ở mọi nơi, mọi lúc, liên miên bất tận mà liên tưởng tới một chủ thể siêu hình bao trùm chi phối tất cả, được gọi bằng nhiều tên khác nhau, nhưng thực chất vẫn chỉ là một. 
Võ phái có võ tổ, gia đình có gia trưởng, gia tộc có tộc trưởng, sự sống có chủ thể, đó là nguyên lý tiên nguyên. 
Nguyên lý tiên nguyên này được gọi bằng nhiều tên khác nhau, trên mọi địa hạt tôn giáo, triết học như: Thiên Chúa, Thượng Ðế, Brahma, Allah, Ðà sống, Ý Tưởng Tuyệt Ðối, Chân Như, Ðạo... 
Tóm lại, công nhận có nguyên lý tiên nguyên là công nhận có chủ thể siêu hình và hữu hình trong mọi cuộc sống dù lớn hay nhỏ. Cao hơn cả, là một chủ thể chí thiện, chí mỹ, và quán thông, tồn tại vĩnh cửu trong mọi điều kiện không gian, thời gian. 
2. Nguyên lý vi nguyên: 
Vạn vật đều do nguyên lý vi nguyên cấu thành. 
Khác với nguyên lý tiên nguyên chỉ có thể nhận thấy, cảm thấy, nguyên lý vi nguyên là những gì khoa học có thể thực nghiệm và chứng minh. 
Nguyên tử, tế bào cũng là những vi nguyên trong cuộc sống. Các đơn chất hóa học cũng là những vi nguyên. 
Nhận có nguyên lý vi nguyên, là thừa nhận rằng, vạn vật từ một ý niệm "phải có" (của nguyên lý tiên nguyên) muốn chuyển sang một thực trạng "đã có", phải có nguyên lý vi nguyên mới cấu thành được. Hoặc nói cách khác, nếu không có những vi nguyên, không thể có vũ trụ vạn vật. Cũng như không thừa nhận con người, không thể có nhân loại; không thừa nhận công dân, không thể có quốc gia. 
Thừa nhận những cái vi nguyên, chính là thừa nhận giá trị của những cái nhỏ nhất trong cuộc sống, và đó là một trong những ý thức căn bản của ý thức hệ Vovinam. 
3. Nguyên lý quán nguyên: 
Vạn vật đều do nguyên lý quán nguyên tập hợp thành. 
Qua những ý niệm trên, ta thấy rõ ràng từ một ý niệm "phải có" đến thực trạng "đã có", còn có một nguyên lý trung gian nữa làm nhiệm vụ "làm thế nào để có". 
Nguyên lý trung gian này chính là hợp chất của sự vật, gắn bó, tập hợp những nguyên vi của sự vật. 
Ví dụ: khi ta nói "nước ròng", nước ròng là một quán nguyên thể của công thức H2O; khi ta nói "dân tộc Việt Nam", dân tộc Việt Nam là một quán nguyên thể 75 triệu người; khi ta nói "Vovinam", Vovinam là một quán nguyên thể của một tổ chức võ đạo đã sinh hoạt được hơn nửa thế kỷ. 
Quán nguyên thể "nước" là một thực thể hữu hình, nhưng quán nguyên thể "Dân tộc Việt Nam", "Vovinam" là một thực thể siêu hình, vì ta không thể dùng ngũ quan nhận biết trực tiếp được. 
Tóm lại, thừa nhận nguyên lý quán nguyên là thừa nhận sự tập hợp hình thành của những vi nguyên thể sự vật trong mọi điều kiện và hoàn cảnh. 
B. Ðịnh Lý Tam Tạo 
Ðịnh lý tam tạo là một định lý thừa nhận rằng vũ trụ, vạn vật là do 3 thành tố tạo nên. Ba thành tố đó là: Âm tố, Dương tố và Ðạo thể, gọi tắc là Âm, Dương, Ðạo. 
Võ đạo và võ thuật của môn phái Vovinam do Cố Võ Sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc sáng tạo ra, chính đã thâu thái tinh hoa ở định lý này vậy. 
Tại sao lại là Âm, Dương, Ðạo? 
1. Âm: chỉ sự mềm, sự tĩnh, sự tối. 
2. Dương: chỉ sự cứng, sự động, sự sáng. 
3. Ðạo: chỉ sự khắc chế, điều hòa, bao dung. 
Áp dụng định lý trên vào võ đạo và võ thuật, chúng ta thấy nổi bật lên những đặc điểm này: 
1. Việt Võ Ðạo thừa nhận giá trị của vạn vật có 2 mặt tương phản nhau: mềm cứng, động tĩnh, sáng tối, phải quấy, tốt xấu, thiện ác, tâm vật... những cũng đồng thời thừa nhận một thực thể thứ ba có thể khắc chế, điều hòa, phối hợp, bao dung được 2 thực thể tương phản kia. 
2. Việt Võ Ðạo thừa nhận rằng những giá trị đối lập luôn ở trong trạng thái thôi thúc nhau, biến hóa lẫn nhau trong một sinh thể hòa hợp thống nhất. nhưng không muốn chú trọng tới và không muốn khai thác thường xuyên những mầm mâu thuẩn nội tại của những trạng thái đối lập.
3. Việt Võ Ðạo chú trọng tới bao dung, hóa giải các trạng thái thôi thúc, đối nghịch của sự vật; vì vậy, đạo sống cũng như đạo võ của Việt Võ Ðạo là bao dung, hóa giải, điều hòa, tuy vẫn thừa nhận những trạng thái mâu thuẫn của sự vật.
4. Nghệ thuật cao độ của Việt Võ Ðạo là chú trọng tới Ðạo nhiều hơn Thuật. 
C. Ðịnh Lý Thường Dịch 
- Thường: luôn luôn, không ngừng. 
- Dịch: biến đổi, chuyển dịch. 
Ðịnh Lý Thường Dịch: tất cả mọi sự vật trên đời đều biến đổi luôn luôn, không ngừng. 
Ðã nhận thức rằng vạn vật đều có 2 tính "âm dương" và được hưởng sự bao dung của Ðạo, tức nhận có biến dịch. Nhưng tại sao lại là "thường dịch"? Cả "Ðạo thể" của Việt Võ Ðạo cũng biến đổi luôn ư? 
Việt Võ Ðạo thừa nhận có tuyệt đối, những cũng thừa nhận có tương đối, tức trong cái tuyệt đối vẫn có cái tương đối, và trong cái tương đối vẫn có cái tuyệt đối. Thừa nhận như vậy, chính là Thường Dịch. 
Không có gì hoàn toàn tĩnh, hoàn toàn động. Thừa nhận như vậy là thường dịch. 
Lão Tử, khi giảng về "Ðạo" cũng coi "Ðạo" như một động thể. Tất cả các tôn giáo, tuy trước sau vẫn suy tôn một đấng nguyên lý tiên nguyên duy nhất, nhưng phương phái và cách thức suy tôn thời này không giống thời trước, đó là thường dịch. Những tĩnh vật trước mắt ta, mà ta có thể tưởng như tuyệt đối tĩnh - như những trái núi - vẫn di động và thay đổi không ngừng, đó là thường dịch. 
Không có gì không thường dịch trên thế gian này kể cả những ý niệm. Nên nhớ: khi quan niệm và đưa ra một định lý như vậy, ý tưởng của chúng ta cũng thường dịch rồi. 
Thường dịch, nhưng có những cái thường dịch mau, thường dịch chậm. Sự thường dịch của trái đất, chúng ta chỉ cảm thấy chứ không trông thấy, nói chung. Sự thường dịch của một suối ta thấy ngay, vì ta trông thấy ngay trước mắt. 
Có 3 chiều đi thường dịch theo lệ thường: 
1. Thường dịch mỗi lúc một xấu hơn. 
2. Thường dịch mỗi lúc một tốt hơn. 
3. Thường dịch lúc tốt hơn, lúc xấu hơn. 
Trẻ nhỏ thường dịch để trở thành người trưởng thành, thế là thường dịch tốt hơn. Người trung niên càng sống sức khỏe càng yếu kém, thế là thường dịch xấu hơn. Người bình thường có lúc khỏe, lúc yếu, đó là thường dịch lúc tốt hơn, lúc xấu hơn. 
Nhưng cả 3 chiều thường dịch trên đều chỉ là biểu diễn sự động của 2 tính âm dương mà thôi, vẫn còn một chiều đi nữa, chiều đi của con người Việt Võ Ðạo. 
Ðó là: 
Vượt lên khỉi những cái phải quấy, tốt xấu, cứng mềm, động tĩnh, sáng tối, thiện ác, tầm thường để bao dung chúng ở địa hạt tinh thần, điều hành chúng về phương diện thực tế, và hóa giải chúng về phương diện võ đạo và võ thuật. Ðó là con đường "thường dịch" của Việt Võ Ðạo. 
D. Ðịnh Lý Miên Sinh 
- Miên: liên miên bất tận. 
- Sinh: sống. 
Ðịnh Lý Miên Sinh: tất cả mọi sự vật trên đời đều có sự sống liên miên bất tận. 
Tại sao Việt Võ Ðạo lại quan niệm như vậy? Quan niệm như vậy, phải chăng là phủ nhận sự chết trong đời sống chăng? 
Thực ra, sống và chết chỉ có một ý nghĩa tương đối; hoặc nói một cách khác, sống và chết là hai giai đoạn của cuộc sống liên miên bất tận, tức cuộc "miên sinh". 
Khi chúng ta đã thừa nhận rằng: mầm sống của cuộc sống là nguyên tử, và nguyên tử là một đơn vị bất khả phân và toàn vẹn mãi mãi trong mọi trường hợp. là chúng ta đã mặc nhiên thừa nhận định lý miên sinh. Thật thế, trên thế gian này, không có gì là sống mãi và chết hẳn, không có gì đi từ hư tuyệt đối tới thực tuyệt đối. Cái mà chúng ta gọi là chết hay sống, thực ra chỉ là một phương trình miên sinh của sự vật, cũng như nước thành hơi hay thành băng đá, nhưng thực chất của "nước" có thay đổi gì đâu. 
Như trường hợp ta dùng 12gr carbonium khử 18gr hơi nước, ta sẽ có 28gr carbon dioxide và 2gr hydrogen theo phương trình dưới đây: 
C + OH2 --> CO + H2 
Như vậy, sự sống của hơi nước (OH2) đâu có hết, vì thực ra nó chỉ tách ra, thuộc về 2 cuộc sống khác, để tiếp tục giòng miên sinh mà thôi. 
Ðời sống chúng ta cũng vậy. Ðời sống vạn vật cũng vậy. Cái mà chúng ta tưởng rằng mất đi, thực ra vẫn còn, nhưng đã nhập điệu vào một cái gì khác hơn, để tiếp tục giòng miên sinh của nó. Hạt giống gieo xuống đất. Nhựa đất, thời tiết, sức người vun trồng thành cây. Cây cho quả. Quả lại cho hạt giống, chính là một trong nhừng nề nếp tiếp tục giòng miên sinh vậy. 
III. Nhân Sinh Quan Việt Võ Ðạo
Phân biệt vũ trụ quan, nhân sinh quan, thật ra chỉ là một sự phân biệt thường lệ về triết học. Vũ trụ quan và nhân sinh quan chỉ là một luận thuyết duy nhất, trong đó nhân sinh quan chỉ là những định lý của vũ trụ quan đem suy diễn mà thôi. 
Áp dụng bốn định lý trên vào cuộc sống, nhân sinh quan Việt Võ Ðạo có 4 nhận định căn bản: 
- Nhận định về sự sống 
- Nhận định về đích sống 
- Nhận định về tương quan giữa cá nhân với tập thể 
- Nhận định về đạo sống 
A. Nhận Ðịnh Về Sự Sống 
Trên thế gian này, không có sự vật nào có đơn lập tính tuyệt đối, vì chúng chỉ là những phần tử trong giòng miên sinh vô tận mà thôi. 
Ta có thể áp dụng nhận định này vào mọi sự sống chung quan ta để chiêm nghiệm. 
- Về phương diện trắc nghiệm lý hóa, ta thấy: không có một nguyên tử nào tự tồn tại mà tạo nên sự sống được. 
- Về phương diện quan sát, ta thấy: mọi sự sống xung quanh ta và cả sự sống bản thân ta, đều nhận chịu ảnh hưởng của nhiều sự sống xung quanh. Trái núi mà chúng ta tưởng như có thể đứng một mình, thật ra vẫn nhận chịu ảnh hưởng của những định lý địa lý tạo nên, như mưa, sương, gió, tuyết, cát soi mòn, những trận động đất làm di chuyển, ảnh hưởng của nước ngầm... 
- Về phương diện võ đạo và võ thuật, ta thấy: không có một danh thủ nào trong nghề võ có thể đứng một mình, không có một môn phái nào có thể đứng đơn lập mà phát triển. 
Do đó, nhận định về sự sống của Việt Võ Ðạo là nhận chỗ đứng của mình trong tập thể võ đạo và võ thuật, tự coi mình chỉ là một phần tử trong giòng miên sinh của làng võ, cũng như của nhân loại. Ðã nhận định rằng không một sự vật nào có đơn tính tuyệt đối, tất nhiên Việt Võ Ðạo chủ trương dung hợp tất cả các võ phái, cũng như các phần tử trong đại khối nhân loại để cùng thường dịch, miên sinh. 
B. Nhận Ðịnh Về Ðích Sống 
Sống: Chỉ có những con người sống không có đích sống chớ không có đích sống nào mà không có sự sống. 
Ðích sống, tự nó đã có một ý nghĩa linh hoạt: để mà đạt tới. Muốn "đạt tới", tất chúng ta phải nghĩ đến những phương cách "làm thế nào đạt tới". 
Ví dụ: người bắn cung, muốn đạt tới hồng tâm điểm, tức cái đích của việc bắn cung, anh ta phải lắp tên, căng dây, nhắm đích và buông dây. Những động tác này là những "sự sống" của việc nhắm bắn vậy. 
Trong cuộc sống, có người sống có hoài bão, có lý tưởng, có người sống không có hoài bão, không có lý tưởng. Cũng như những hoài bão, lý tưởng của nhiều người có những điểm giống nhau, có những điểm khác nhau. 
Ba người cùng học võ: Nếu ta đặt câu hỏi: "Bạn học võ để làm gì?", tất có 3 câu trả lời khác nhau: 
- Người thứ nhất đáp: "Tôi học võ để tự vệ". 
- Người thứ hai đáp: "Tôi học võ vì ham thích võ thuật". 
- Người thứ ba đáp: "Tôi học võ vì nghĩ rằng võ đạo và võ thuật có thể góp một phần không nhỏ vào việc cải tạo xã hội và xây dựng con người". 
Trong ba câu trả lời trên, ta thấy rõ: tuy cùng làm một việc mà mỗi người có một đích sống khác nhau. Quan niệm học võ của người thứ nhất là tự vệ, một mục đích thực tế, nhằm vào lợi ích thiết thân của mình trước đã. Quan niệm học võ của người thứ hai là vì ham thích võ thuật, anh ta có thể là một mẫu người điển hình cho việc yêu nghề võ, nếu sự ham thích đó không phải là một ngọn lửa rơm và có giá trị lâu dài. Chỉ riêng có quan niệm học võ của người thứ ba là có một ý nghĩa tổng quát về công việc mà anh ta đang theo đuổi, cùng những hoài bão mà anh ta ấp ủ, những lý tưởng mà anh ta mong mỏi thực hiện. Chỗ khác nhau cũng như điểm làm người thứ ba này nổi bật, khác hẳn hai người trên, chính là anh ta đã có một đích sống cao đẹp. 
Võ đạo khác với võ thuật chính ở điểm này. Ðối với Việt Võ Ðạo, đích sống lại cần thiết lắm vì người môn sinh Việt Võ Ðạo không phải chỉ mang nặng trên vai danh dự của mình và môn phái mình, mà còn mang nặng trên vai danh dự của dân tộc mình và tinh thần võ đạo của môn phái mình, trên những căn bản trách nhiệm làm người của mình, trước cuộc sống. 
C. Nhận Ðịnh Về Tương Quan Giữa Cá Nhân và Tập Thể 
Việt Võ Ðạo thừa nhận Con Người là nguyên tố của Cuộc Sống, Cá Nhân là nguyên tố của Tập Thể, cũng như những nguyên tố Âm Dương trong định lý tam tạo. 
Nhưng cũng vì quan niệm như vậy, nên Việt Võ Ðạo cũng thừa nhận theo như định lý tam tạo: nếu không có tập thể (Ðạo) điều hành, 2 nguyên tố Âm, Dương sẽ tiêu diệt lẫn nhau, qua những biến thái: Cực Âm thành Dương, Cực Dương thành Âm, vì ngay trong Âm và Dương có những mầm mâu thuẫn nội tại. 
Do đó, giữa Cá Nhân và Tập Thể, thời nào cũng có những mối tương quan được đặt ra, làm căn bản cho những nền móng triết học, tôn giáo, chính trị, văn hóa và pháp lý... Việt Võ Ðạo cũng vậy, khi đã thừa nhận rằng giữa cá nhân với tập thể có những tương quan mật thiết, là đã mặc nhiên hệ thống hóa những mối tương quan ấy trong đời sống chung. 
Nếu không có cá nhân lỗi lạc, tập thể không có những thành công phi thường. Nhưng không có những thành công phi thường nào chỉ do một cá nhân dù đó là một nhà bác học, một vị đại anh hùng. Einstein không thể thành công ở nước Ðức, mà chỉ có thể thành công ở Mỹ. Khổng Minh là một cá nhân lỗi lạc, nhờ ông mà cơ nghiệp nhà Hán kéo dài thêm một thời gian, nhưng ông không thể đánh trận một mình, không có tập thể hỗ trợ. Cũng như nếu không có những nguyên tố Âm Dương sẽ không có Ðạo Thể, nhưng nếu chỉ có hai nguyên tố Âm, Dương mà không có Ðạo Thể, hai nguyên tố này sẽ tru diệt lẫn nhau và tự hủy diệt. 
Giữa cá nhân và tập thể đều có tương quan trách nhiệm. Tập thể vun trồng cho tài năng cá nhân nẩy nở, nhưng cá nhân phải hòa đồng vào tập thể mới có thể thành công trên bất cứ địa hạt nào. 
D. Nhận Ðịnh Về Ðạo Sống 
Ðạo Sống hay nhất tự cổ chí kim chỉ là Ðạo Sống biết điều hòa Chủ Quan với Khách Quan, cũng như Ðạo Thể điều hòa hai nguyên tố Âm Dương. Võ Ðạo điều hòa hai tính Cứng Mềm. 
Do đó, Ðạo Sống Việt Võ Ðạo chỉ có ba phần vụ phải giải quyết: sống, giúp người khác sống, và sôÙng cho người khác. 
1. Về phần vụ "Sống": Phải sống hoàn chỉnh đầy đủ, để trở thành những Con Người, những con người toàn diện, những con người sống thực. 
Dĩ nhiên, Việt Võ Ðạo không chấp nhận mọi lối sống của người máy, của loài vật, của thần thánh, của ma quỷ, vì co lối sống cao cả quá không theo được, có lối sống tầm thường quá không thể toa rập. 
Hãy sống với tất cả nhựa sống của mình, làm sao mỗi người có ý thức hơn và bới lầm lỗi hơn, đó đã là sống thực rồi. 
2. Về phần vụ "Giúp Người Khác Sống": Có 3 điểm căn bản 
Hoàn cảnh giống nhau, nguyện vọng thông thường giống nhau: những gì mà mình
thấy là hợp nghĩa và hữu ích, người khác cũng có thể cho là hợp nghĩa và hữu ích.
Ðừng vì cái "nghĩa" và "ích" của mình, mà để thiệt hại cho người khác. 
Những gì mình không muốn, người khác đều không muốn: không bao giờ để hại
cho người. 
Nếu có thể, nên giúp đỡ người: để cho họ cũng tìm thấy ý nghĩa sống như mình. 
3. Về phần vụ "Sống Cho Người Khác": đây là một phần vụ quan trọng cao quý hơn cả, đòi hỏi chúng ta phải hy sinh một số quyền lợi tinh thần và vật chất bản thân cho người. 
Nếu thực hiện được đầy đủ, chúng ta sẽ gần Ðạo Thể hơn, và đó là đặc tính hướng thượng của Việt Võ Ðạo. 
IV. Tổng Luận
Thông thường, người học võ trước hết nghĩ tới võ thuật. Cao hơn mới nghĩ tới Võ Ðạo. 
Vovinam (Võ Việt Nam rút gọn) là chữ quốc tế hóa, có 2 nghĩa: 
Nghĩa thứ nhất: Võ Thuật Việt Nam (Việt Võ Thuật) 
Nghĩa thứ nhất: Võ Ðạo Việt Nam (Việt Võ Ðạo) 
Muốn đạt tới trình độ "Ðạo", phải qua trình độ "Thuật". Thuật là môn học về chuyên môn, thực dụng. Ðạo là môn học tổng quátt về toàn diện, trong đó có cả chuyên môn, thực dụng ở cấp cao. 
Việt Võ Ðạo chính là hình nhi thượng học của Vovinam cho chúng ta một vũ trụ quan và nhân sinh quan vững chắc. Do đó, Việt Võ Ðạo tuy không phải là một đoàn thể chính trị, một đoàn thể tôn giáo, một triết phái thuần túy mà là một môn phái võ đạo mang tính triết học giáo dục hiện sinh, có một hệ thống lý luận minh bạch để hướng dẫn các môn sinh thành công trong đời sống thực tại. 
Vào được Việt Võ Ðạo, chính là vào được tinh lý của một nền võ dân tộc đã kinh nghiệm qua hơn nửa thế kỷ khai sáng, và đồng thời là những sứ đồ của nền võ có sứ mạng vun trồng cho Cuộc Sống và Con Người mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

 


 

..