Thứ Bảy, 04/09/2004, 12:00 (GMT+7)

Trong dòng chảy võ học Việt Nam

 

TTCN - Tuy mới sinh thành trong vòng 65 năm trở lại, nhưng Vovinam đã có bước phát triển rực rỡ không chỉ trên quê hương mà còn cả nhiều nước trên thế giới. Vovinam đã thật sự là sứ giả giới thiệu văn hóa VN với bạn bè bốn phương, được bạn bè xa gần yêu quí, ngưỡng mộ.

Ở tuổi 26, võ sư Nguyễn Lộc đã kết hợp những tinh hoa của võ và vật của dân tộc cùng với những tinh hoa của võ thuật thế giới để hình thành nên phái võ Vovinam. Cho đến khi mất năm 1960 ở tuổi 49, không biết ông có hình dung được chỉ mấy mươi năm sau Vovinam của ông đã lớn mạnh và tiếng tăm vang lừng đến vậy.

Sau sáng tổ Nguyễn Lộc, Vovinam được điều hành bởi thế hệ võ sư, huấn luyện viên có trình độ học vấn, có năng lực tổ chức lãnh đạo, mềm mỏng trong ứng xử, có tinh thần trách nhiệm và niềm say mê trau dồi võ nghệ. Nhờ đó Vovinam đã vượt qua những biến động của một thời tao loạn để vươn lên phát triển không ngừng. Bằng con đường tri thức, qua các du học sinh, Vovinam ngày càng được truyền bá rộng rãi ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Úc, trong đó nhiều nước có phong trào mạnh như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Ba Lan, Nga, Morocco, Algeria...

Những ai hằng quan tâm đến công cuộc khơi nguồn dòng võ học dân tộc hẳn không thể không rút ra những bài học từ sự sinh thành và phát triển của Vovinam. Trong xu thế hội nhập hiện nay, võ cũng thế, muốn tồn tại và phát triển nhất thiết phải thoát ra khỏi cái bệnh thâm căn cố đế: bảo thủ và lạc hậu... Phải không ngừng tự nâng mình lên để cùng tần số văn hóa, tri thức ngang tầm thời đại. Phải không ngừng tiếp thu, học hỏi, sáng tạo. Võ là một môn nghệ thuật, mà nghệ thuật thì luôn phát triển không ngừng.

Đó là con đường tất yếu giúp khoa học hóa, hiện đại hóa và thống nhất hóa nền võ học dân tộc; đồng thời nâng võ học VN ngang tầm khu vực, châu lục và thế giới. Một con bướm nếu không biết tự thoát ra khỏi cái kén của mình thì không thể cùng đàn bướm thêu hoa dệt gấm cho đất trời.

Hẳn chưa bao giờ Vovinam trải qua khúc quanh quan trọng như hiện nay: phải khơi nguồn dòng võ học dân tộc, trong khi nhu cầu phát triển càng lớn, vận hội phát triển càng cấp bách. Hơn bao giờ hết, dòng chảy Vovinam cần xác định mình là ai và sẽ đi về đâu. Nói cho cùng, đây không chỉ là vấn đề của Vovinam mà còn là vấn đề của thể thao, của văn hóa nước nhà.

Vovinam hiện có phong trào rộng khắp trên cả nước với hơn 30.000 võ sinh tham gia tập luyện, và phong trào mạnh ở nhiều nước trên khắp bốn châu lục: Âu, Mỹ, Phi, Úc. Riêng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á thì chưa. Đây là điểm Vovinam cần sớm nỗ lực bổ sung. Nhưng con đường đi đến quốc tế hóa võ VN có nhất thiết phải đi từ quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới? Với Vovinam, có thể đi ngược lại.

Vovinam từng tham gia nhiều Festival võ thuật quốc tế. Nên chăng, đã đến lúc Vovinam nâng cấp “hội diễn” thành “giải vô địch Vovinam quốc tế” ngay tại sân nhà. Để làm được điều đó, chắc chắn phải cần đến sự trợ giúp của ngành thể dục thể thao và Nhà nước VN.

Ngày nay, võ là văn hóa, là thể thao, là du lịch, là nhịp cầu nối liền khoảng cách, là chất keo gắn kết tình hữu nghị giữa các quốc gia. VN có truyền thống võ học lâu đời, là “cường quốc võ thuật” trên các đấu trường quốc tế. Phát triển võ VN lên ngang tầm thế giới - đó không chỉ là ước mơ, niềm tự hào mà còn là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Nhưng vẫn là bằng cách nào: bằng nhiều môn đặc trưng (Judo, Karatedo, Aikido...) như Nhật, bằng một môn tiêu biểu (Taekwondo) như Hàn Quốc, hay bằng một môn thống nhất (Wushu) như Trung Quốc?  

NGUYỄN VĂN DŨNG