Thứ Bảy, 04/09/2004, 13:00 (GMT+7)

Môn sinh Romania

 

TTCN - Màn đêm buông xuống, phố xá vừa kịp lên đèn, Trung tâm Thể dục thể thao quận 8, TP.HCM xôn xao tiếng người tập võ. Phía bên ngoài, cơn mưa tháng tám ồn ào, hối hả. Bầu trời ngập sũng nước, mọi vật thu mình nấp trong màn mưa đen kịt. Thao trường vang lên tiếng thét, những đòn đánh dũng mãnh của hàng trăm võ sinh tạo nên khí thế sôi động, hào hùng.

Lẫn trong sắc áo màu xanh ướt đẫm mồ hôi, lạ chưa có hàng chục môn sinh “ngoại” cũng đang thi triển quyền thức. Khác với quan niệm cho rằng người to lớn thường nặng nề và chậm, những đòn nhào lộn và tung người lên không của các võ sinh Tây lại rất nhẹ nhàng. Những cú quật té trực tiếp trên sàn tập không trải thảm cứ nhẹ như không. Đây là lối huấn luyện đặc thù của kỹ thuật Vovinam...

Môn sinh mang bảng tên Florin chạy đến chào thầy Chiếu, dáng người cao lớn gập xuống theo tư thế “bàn tay thép đặt trên trái tim từ ái”.

Đối với nhiều người trong môn phái Vovinam, Florin Macovei là một gương mặt khá quen thuộc. Qua VN nhiều lần, thuộc loại “ăn dầm nằm dề” lúc thì một tháng, khi hai, ba tháng, chỉ nhằm lĩnh hội hết kỹ thuật và tinh thần Việt Võ Đạo.

Con đường đến với võ đạo của Florin không suôn sẻ. Đất nước Romania trải qua nhiều biến động, đời sống kinh tế khó khăn. Là một kỹ sư ngành xây dựng, Florin cũng khó tìm một việc làm thích hợp. Một chân bảo vệ trong sân bay giúp anh trụ được trước những tháng ngày gian khổ. Chính trong bối cảnh cam go ấy, anh đã đến với môn Vovinam. Vừa học võ để phục vụ công việc, vừa tìm sự bình yên trong tâm hồn.

 

Florin học những miếng võ “đầu đời” với võ sư Patrick Levet. Patrick cũng là một gương mặt lạ trong làng võ Vovinam ở nước ngoài. Một thân một mình, anh đã đi khắp các nước châu Âu để truyền bá môn võ Việt. Nhờ sự dẫn dắt của Patrick mà Florin đã có những bước tiến dài trên con đường đến với võ học phương Đông. Nhưng chỉ khi Florin gặp mặt và thọ giáo với thầy Nguyễn Văn Chiếu, anh mới cảm nhận một bước ngoặt thật sự trong đời võ nghiệp của mình.

“Lần đầu tiên gặp thầy, cảm giác của tôi thật hồi hộp. Thầy rất ít nói, nghiêm khắc, nhưng trái tim thầy thật rộng lượng, bao la” - Florin nhớ lại. Người học trò Tây này đã về ở hẳn nhà thầy để ngày đêm chuyên cần tập luyện. Cảm động trước tấm chân tình và tinh thần tôn sư trọng đạo, thầy Chiếu cũng đem hết “ngón nghề” để truyền dạy cho người đệ tử đến từ phương trời xa xôi này.

Ông kể: “Chúng tôi coi Florin như một thành viên trong nhà. Mọi người ăn gì anh ta ăn nấy. Đời sống của những người dạy võ như chúng tôi còn kham khổ, nhưng không thấy anh kêu ca gì. Nhiều lúc anh còn nói đùa ở Sài Gòn còn sung sướng hơn Bucarest nhiều”. Không thu học phí, lại còn nuôi ăn học trò, đối đãi với nhau bằng cả tấm lòng, sự nhân hậu đã hoàn toàn chinh phục con tim Florin.

Ở Romania có nhiều môn võ của các nước, mạnh nhất là môn karate và kick boxing. Đây là những môn võ có đông người theo tập vì tính thực dụng và thời gian du nhập cũng đã lâu. Mặc dù có sự cạnh tranh ngấm ngầm và quyết liệt, Vovinam từng bước vẫn có chỗ đứng vững chắc ở đất nước thân quen này. Làm giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn các môn võ thuật, Florin trực tiếp phụ trách 10 câu lạc bộ Vovinam với hơn 800 võ sinh. Con số còn khiêm tốn nhưng là sự thành công rất lớn. Từ một môn võ ít người biết, đến giờ Vovinam được coi như một môn có tiếng nói, được Bộ Thể thao công nhận là một môn phái lớn. Tháng 11-2004, một đoàn Vovinam đại diện Romania sẽ lên đường sang Tây Ban Nha để dự giải vô địch châu Âu, kinh phí do liên đoàn chi trả.

Giống như các môn võ khác, sau một thời gian dài truyền bá trên thế giới, kỹ thuật và tinh thần sẽ có những sai lạc. Nhưng Vovinam rất may là không có các hệ phái. Việc thống nhất kỹ thuật sẽ tạo cho Vovinam có một gương mặt rất riêng không bị pha trộn. Florin rất tâm đắc điều này, anh luôn coi việc cố gắng dạy sao cho “giống VN” là cách giữ gìn bản sắc Vovinam.

“Môn phái Vovinam có tất cả kỹ thuật, được chế biến từ võ vật, thích hợp với mọi người, kể cả người châu Âu như chúng tôi. Các đòn thế quăng vật, khóa tay, cận chiến... rất đắc dụng trong những tình huống nguy hiểm. Nhưng chính triết lý Vovinam đã thật sự cuốn hút tôi. Nguyên lý âm dương phối triển trong võ mở cho tôi cánh cửa hoàn toàn mới về nhân sinh. Có thể áp dụng trong cuộc sống và gặt hái thành công một cách bất ngờ”...

Đến VN là hiểu thêm một nền văn hóa, là biết thêm đời sống tinh thần một dân tộc, điều này có ý nghĩa thật lớn lao trong cuộc đời Florin. Anh không còn cảm thấy cô đơn và thật sự hạnh phúc khi cảm nhận mình là một thành viên trong đại gia đình Vovinam, cùng đắp xây một ngôi nhà chung trên thế giới. 

HỒNG QUYỀN