Thứ Bảy, 04/09/2004, 12:00 (GMT+7)

Cuộc hội ngộ giữa hai đại sư

 

TTCN - Khi nhận được tin đại sư Kenneth Cottier, chủ tịch Hiệp hội Aikido Hong Kong, thành viên Thượng hội đồng Aikido thế giới và đoàn Aikido Hong Kong, sẽ viếng thăm các đạo đường Aikido tại TP.HCM, các võ sư Aikido VN vừa phấn khích vừa hiếu kỳ.

Truyền nhân của tổ sư Uyeshiba Morihei

Từ lâu, trong giới Aikido châu Á vẫn truyền tụng về những kỳ tích của một nhân vật kiệt xuất vốn là đệ tử đích truyền của tổ sư môn phái - Uyeshiba Morihei. Vị đó là một kiều dân Anh, học võ từ tấm bé. Sau khi gặp được tổ sư Uyeshiba, ông đã dành trọn đời mình cho Aikido. Vào giữa thập niên 1980, ông được Tổng đàn Aikido thế giới ở Tokyo phái đến giúp Aikido tại Hong Kong, một địa bàn rất tế nhị và phức tạp với nhiều phái võ và các tổ chức Tam Hoàng tranh nhau hoạt động.

Chính trong bối cảnh đó, đại sư Kenneth Cottier nhận sứ mạng đến Hong Kong. Một mặt lo ổn định nội bộ, mặt khác ông lập quan hệ hữu hảo với các đại bang có mặt tại Hong Kong. Võ sư Kenneth Cottier dần dần được sự công nhận của các nhóm Aikido và các võ phái ở đây. Ông cũng đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng Liên đoàn Aikido châu Á.

Nằm trong mối liên hệ đó, và vì một lý do khác sẽ được đề cập sau, ông đã ngỏ ý muốn thăm Aikido TP.HCM với một đệ tử là Lee Clubb, một nhà kinh doanh trẻ người Mỹ có vợ là người Hong Kong. Lee liên hệ với một người bạn Pháp, chuyên cung cấp rượu cho các nhà hàng của Công ty Saigontourist, và thế là chuyến đi được thực hiện.

Trung tuần tháng 6-1994 đoàn du lịch Aikido Hong Kong đến TP.HCM và ở tại khách sạn Caravelle. Ngoài các cuộc tham quan du lịch và mua sắm là các buổi tập huấn tại hai võ đường Aikido ở Đa Kao (Q.1) và Phú Nhuận.

Tập huấn và giao lưu

 

Thông thường, trong các cuộc tập huấn quốc tế, các võ sư bắt đầu bằng các đòn căn bản (kihon waza). Với võ sư Kenneth Cottier cũng vậy. Nhưng rất nhanh, ông chuyển qua các đòn cao cấp vì các môn sinh VN tham dự tập huấn phần lớn là đai đen. Ông cũng mời các võ sư VN ra hướng dẫn. Tôi dạy các đòn Atemi trong khi triển khai “ném tứ phương” (Shiho nage). Võ sư Nguyễn Tăng Vinh thì chọn đòn “Thất cầm ma hoa” (Kote mawashi), một tuyệt kỹ tâm đắc của ông. Lớp tập huấn do vậy có vẻ đa dạng và sống động hơn.

Kiếm pháp trong Aikido đóng một vai trò quan trọng và được gọi là Aikiken (Hiệp khí kiếm). Võ sư Kenneth Cottier dành một phần lớn thời gian để dạy các chiêu thức cơ bản Aikiken. Ông luôn nhắc nhở phải hợp nhất khí - kiếm và thể. Trong kiếm pháp Nhật có một bài thiệu rất quan trọng mà đại sư không ngừng lặp đi lặp lại: Ichi gan - nhất quan; Ni soku - nhì túc; San tan - tam can; Shi ryoku - tứ lực.

Trong bốn yếu tố chủ yếu của kiếm pháp Nhật thì nhãn pháp là đứng đầu, rồi đến bộ pháp, sau đó mới đến lòng can đảm và sức mạnh. Bài thiệu này được các kiếm sĩ Phù Tang tâm niệm trong suốt cuộc đời.

Lẽ tất nhiên, các võ sư VN, Hong Kong không chỉ gặp nhau trên sân tập mà còn có nhiều dịp hàn huyên trên bàn tiệc và trong những buổi ăn sáng thân mật. Và trong một buổi sáng tại khách sạn Caravelle, giữa hai tách cà phê, võ sư Kenneth Cottier đã bày tỏ ước mong được gặp một nhân vật của võ lâm VN. Đó là chưởng môn Lê Sáng của Vovinam Việt Võ Đạo.

Trong bữa ăn sáng sau đó, một huấn luyện viên Aikido Hong Kong đã kể lại câu chuyện xảy ra trong một trại thuyền nhân tại một đảo nhỏ ở Hong Kong.

Tráng sĩ Vovinam nơi đất khách

Dạo đó (những năm đầu thập niên 1990) thường xảy ra những vụ xô xát giữa các thuyền nhân vì những lý do thông thường: quyền lợi vật chất trong phân phối, các phe phái, thậm chí giữa các địa phương với nhau. Tại một trong các trung tâm thuyền nhân (một nhà tù được chỉnh trang), các mâu thuẫn đã đưa đến những vụ lưu huyết và cảnh sát Hong Kong tỏ ra bất lực trong việc duy trì an ninh trật tự. Tình hình có vẻ ngày càng trầm trọng hơn và tưởng như không có biện pháp khắc phục thì xuất hiện một huấn luyện viên Vovinam Việt Võ Đạo.

Theo lời kể lại, người huấn luyện viên này là một trung niên chưa quá 40 tuổi, vóc dáng tầm thước, nhưng gương mặt rắn rỏi và đầy khí phách. Nhân một cuộc lễ hội của lãnh thổ Hong Kong (vào năm đó vẫn còn thuộc Anh), người huấn luyện viên đề nghị tổ chức tại trung tâm một cuộc biểu diễn võ thuật cùng một số môn đồ Vovinam có mặt tại trung tâm.

Được sự chấp thuận của giới chức cầm quyền, cuộc diễn võ đã diễn ra hấp dẫn, ngoạn mục, thu hút rất đông giới trẻ tham dự. Để biểu dương võ đạo VN mà cũng để gây ấn tượng, huấn luyện viên Vovinam đã vui vẻ mời các tay giang hồ trong giới thuyền nhân cùng tham gia biểu diễn. Cuộc lễ kết thúc tốt đẹp và tạo ra một luồng dư luận tự hào và tin tưởng.

Và nhờ đó, một cơ chế tự phát được hình thành giúp giữ gìn an ninh trật tự tại trung tâm thuyền nhân nói trên.

Một cuộc tiếp xúc thấm nhuần võ đạo

Cuộc gặp gỡ giữa đại sư Kenneth Cottier và chưởng môn Lê Sáng diễn ra chiều 22-6-1994, với sự hiện diện của một số võ sư của tổ đường như Nguyễn Văn Sen, Nguyễn Anh Dũng, Kiều Công Lang... Sau những lời thăm hỏi xã giao, võ sư chưởng môn, trong bộ đồ bà ba trắng truyền thống VN, đã ngỏ lời chúc tụng đối với bộ môn Aikido và cho biết là tại TP.HCM, Vovinam Việt Võ Đạo và Aikido đã có một mối giao hảo được thể hiện từ lâu nay.

Về phía đại sư Kenneth Cottier cũng cho biết rất ngưỡng mộ một môn võ đạo đã đào tạo được những tráng sĩ của thế kỷ 20. Sau một tuần trà sen đậm đà ý vị, đáp lại quà kỷ niệm của trưởng đoàn Aikido Hong Kong, võ sư chưởng môn Lê Sáng đã chủ trì việc gắn huy hiệu Vovinam Việt Võ Đạo cho đại sư Kenneth Cottier và tôi là võ sư Bùi Thế Cần.

Sau cuộc giao lưu, đại sư Kenneth Cottier đã được đưa trở lại khách sạn nơi ông ở bằng xe hơi của một võ sư Vovinam. Có lẽ cho đến ngày hôm nay, các võ sư Vovinam tại tổ đường vẫn chưa biết được nguyên do sâu xa của lòng ngưỡng mộ mà đại sư Kenneth Cottier dành cho môn phái.

 oOo

 Tám năm sau, vào tháng 2-2002, khi gặp lại các võ sư Aikido VN trong lễ hội mừng 40 năm Aikido Thái Lan ở Bangkok, đại sư Kenneth Cottier lúc này sức khỏe đã kém nhiều, vẫn còn nhắc đến cuộc giao lưu hào hứng tại TP.HCM và ấn tượng tốt đẹp của mình khi thăm viếng tổ đường của môn phái Vovinam Việt Võ Đạo. 

BÙI THẾ CẦN