VOVINAM VƯƠNG QUỐC BỈ THAM GIA GIẢI THI ĐẤU VÀ HỘI DIỄN VÕ THUẬT TẠI VIỆT NAM.
Trung Thành




Vovinam Vương Quốc Bỉ dưới sự hướng dẫn của võ sư Võ Tân Tiến đã hướng dẫn các môn sinh về tham dự Đại Hội Thi đấu và Hội Diễn VõThuật Vovinam Việt Võ Đạo Quốc Tế lần thứ 2 năm 2005 tại Việt Nam. 
Sau đây là kết quả và hình ảnh sinh hoạt của phái đoàn Vovinam tại Bỉ Quốc.

Võ Tiến Xuân được Huy Chương Bạc bài Tinh Hoa Lưỡng Nghi Kiếm pháp. 
Võ Tiến Xuân và va Franocis La được Huy Chuong Đồng bài Tự Vệ Nữ 
Nguyễn Hoàng Việt, Francois La và Charles được Huy Chương đồng bài Tam Đấu Nữ.


Phái đoàn Bỉ chụp hình lưu niệm với Chưởng Môn tại Tổ Đường.

Vovinam Bỉ nhận giải thưởng bài: Tam Đấu

 

Vovinam Bỉ nhận giải thưởng bài Tự Vệ Nữ

 

Phái đoàn Vovinam Bỉ chiêm bái Tổ Đường

 


Vovinam Bỉ nhận giải thưởng bài Tinh Hoa Lưỡng Nghi Kiếm pháp



Ngoài Việc phái đoàn tham dự thi đấu, tham quan thắng cảnh Việt Nam, võ sư Võ Tân Tiến cùng các môn sinh còn ở lại Việt Nam để thụ huấn thêm chương trình võ thuật của môn phái để trau dồi thêm khả năng cho các môn sinh.



Sau đây xin mời qúi đồng môn đọc bài viết phỏng vấn về võ sư Võ Tân Tiến tại Việt Nam.

Võ sư Võ Tân Tiến một đời vì sự phát triển Vovinam ở hải ngoại 

Những nỗ lực của võ sư Võ Tân Tiến trong suốt 27 năm đã giúp cho Vovinam (Việt Võ Đạo) phát triển khá rộng rãi ở miền nam nước Bỉ, thu hút đông đảo môn sinh sở tại theo học. 

Tại giải Vovinam Quốc tế lần 2-2005, tôi tiếp xúc với ông Võ Tân Tiến, trưởng đoàn Vovinam Bỉ, khi ông đang cắm cúi thu nhặt những “chiến lợi phẩm”: vỏ chai nước suối, khăn mặt, dây đai... mà học trò vô tình bỏ lại trên khán đài sau buổi thi đấu đầu tiên. Thoạt nhìn, trông ông chẳng có vẻ gì là một võ sư, nói gì đến chuyện là Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Bỉ. 

Hiểu được ý tôi, ông Võ Tân Tiến cười xòa và tự phác họa về mình: "Trông tôi ra vẻ một doanh nhân hơn là một võ sư, phải không? Nhưng tôi là một con người có thể sống chết vì Vovinam đấy". Năm 1978, khi 23 tuổi, ông Tiến định cư ở Bỉ và mưu sinh bằng những công việc "chẳng đâu ra đâu, (như lời ông tự nhận). Nhưng ngay những ngày mới chân ướt chân ráo đến thành phố Liege (miền nam nước Bỉ), óc nhạy bén và lòng đam mê võ thuật từ bé đã giúp ông nhìn ra được: Bỉ sẽ là mảnh đất màu mỡ để Vovinam có thể phát triển. Lý giải về điều này, ông Tiến cho biết: "Tôi "bắt" được ánh mắt nhìn say mê lẫn trân trọng của người phương Tây khi họ chiêm ngưỡng những hình ảnh, đoạn phim mới về võ học phương Đông. Mà ở đây, người châu Á chỉ chiếm số lượng khiêm tốn. 


Đó là lý do khiến tôi ấp ủ hy vọng mở một "thánh địa" Vovinam trên đất Bỉ". Ước mơ càng đến gần hơn khi thông qua một người bạn, ông Tiến được giới thiệu vào hãng Disteel Cold 4 BT để vừa học, vừa làm. Có đồng lương ổn định, thay vì sắm sửa cho bù lại những chuỗi ngày sống tuềnh toàng, ông vẫn ở trong căn phòng rộng chưa đến 20 mét vuông, quanh năm trùm mền cho bớt cái mùi khói bếp xộc lên từ gian bếp tập thể. Ông dành mọi khoản tiền có được vào việc mở võ đường. Sau một năm, ngôi võ đường trang nghiêm mang tên Hưng Đạo ra đời tại Liege. 


Tuần đầu tiên chẳng có ai đến học. Đồng nghiệp, hàng xóm thấy "xót", nên "thôi thì dành thời gian đến cho ảnh đỡ tủi”. Một tháng sau, "quân số" nhảy lên... 6 người. Thấy học trò nhiệt tình tập luyện quá, anh không nỡ thu học phí, dù chi phí cho võ đường "nuốt" trọn lương tháng của anh. Một lần trời trở giông, phòng tập lại không có máy sưởi nên thầy trò đành ngồi thu lu một góc, chẳng thể động chân động tay. 


Bất chợt một môn sinh thốt lên: "Giá chúng ta có đội biểu diễn những bài quyền, đòn thế thì những lúc như thế này, mọi người không có gì làm sẽ kéo đến xem" . Và đội biểu diễn Vovinam - Việt Võ Đạo của CLB Hưng Đạo ra đời, thu hút sự chiêm ngưỡng của thanh niên nam, nữ ở các cuộc liên hoan, lễ hội ở địa phương. Bằng sự nỗ lực của võ sư Tiến và các đồng môn suốt 27 năm qua, hiện Vovinam đã trở thành một môn thể thao được yêu chuộng tại Bỉ, đặc biệt là các tỉnh miền nam. 

Sau những phút vã mồ hôi vì tập luyện, võ sư Tiến lại ân cần bày ra những tách trà sen nóng để thầy trò cùng đàm đạo về triết lý sống và đạo đức làm người của dân tộc Việt. Ông sẵn sàng ngồi hàng giờ chỉ để giải thích cho môn sinh ý nghĩa của cây tre, mái đình, ca dao đất Việt. Sau gần 30 năm gây dựng, võ đường Hưng Đạo đã trở thành một trong ba võ đường có môn sinh đông nhất nước. Các đệ tử "ruột" của ông giờ đã trưởng thành, tự mở võ đường riêng như võ đường Lạc Long Quân, Quang Trung, Hùng Vương... Hằng năm, cứ đến ngày giỗ tổ Vovinam, những người học trò cũ nhiều năm gắn bó này đều tề tựu về võ đường Hưng Đạo để kính thầy một chén trà nghĩa tình. 

Hiện nay, võ sư Tiến vẫn làm việc tại hãng Disteel Cold 4 BT với mức lương công nhân bình thường, và vẫn cần mẫn mỗi tuần đủ bảy buổi tối đến võ đường Hưng Đạo. Chỉ có điều, sau một ngày làm việc và giảng dạy rã rời, trên chuyến xe cuối cùng trở về nhà, lòng ông đã phần nào ấm áp hơn bởi bên cạnh luôn ấm nồng một bàn tay. Đó là vợ ông - bà Bertrand Patrilia, 4 đẳng Vovinam, vì yêu chàng võ sư nghèo mà yêu luôn cả Vovinam. Trong cảm nhận của vị võ sư này, đó là phần thưởng quý giá nhất mà Vovinam đã trao tặng cho ông.