Việt Nam vô địch toàn đoàn giải Vovinam thế giới 
lần thứ 2

(Trích Báo Tuổi trẻ)



Giải Vovinam (Việt võ đạo) năm nay đã diễn ra sôi nổi, hào hứng, đầy tinh thần thượng võ, và kết thúc hôm qua sau hai ngày tranh tài ở Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, TP HCM. Chủ nhà Việt Nam đoạt ngôi đầu toàn đoàn với 12 HC vàng.
Tham dự giải có 115 võ sĩ của 8 đoàn: Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Romania, Italy, Nga, Na Uy và chủ nhà Việt Nam, tranh tài ở 2 nội dung: đối kháng (4 hạng cân) và hội diễn kỹ thuật. Không chỉ đơn thuần là tham gia một giải đấu, các môn sinh vovinam từ khắp nơi trên thế giới còn coi giải năm nay là dịp để về với cội nguồn, về với đất nước đã sản sinh ra môn võ này. 
Sau 2 ngày thi đấu và hội diễn kỹ thuật, chủ nhà Việt Nam giành tổng cộng 12 HC vàng. Đoàn Pháp đứng thứ nhì, với 2 HC vàng, 5 HC bạc. Xếp thứ ba là đoàn Nga, sở hữu 2 HC vàng và 1 HC bạc.
Gia Nam 
******************************************
Hành hương về cội nguồn Vovinam

Kristin Võ đang biểu diễn bài Long Hổ quyền. Ảnh: Danh Hải

TT - Hôm qua 20-7, gần 100 võ sĩ của 10 nước Pháp, Ý, Romania, Bỉ, Tây Ban Nha, Na Uy, Mỹ, Nga, Iran và chủ nhà VN đã bước vào cuộc tranh tài tại giải Vovinam thế giới lần thứ 2 tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP.HCM). 
Ngoài mục tiêu tranh tài, đối với nhiều võ sĩ, đây còn là chuyến hành hương về đất tổ của môn võ Vovinam...
Vovinam và triết lý "cây tre"
Nhà thi đấu Phan Đình Phùng sáng qua 20-7 tràn ngập những tiếng vỗ tay tưởng thưởng cho bài quyền "Tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp" được biểu diễn bởi Kristin Võ, một cô bé gốc Việt 14 tuổi đến từ Na Uy. 
Vóc người nhỏ nhắn cùng những bước chân di chuyển nhẹ nhàng và các động tác múa kiếm uyển chuyển như gió của Kristin Võ đã mê hoặc toàn bộ những khán giả có mặt trên sân. 
Kristin Võ sinh ra tại Na Uy trong một gia đình có ba chị em gái. Cô tập Vovinam ở một võ đường có chừng 20 võ sinh tại Drammen (Na Uy) đã hơn một năm nay. 
Kristin Võ tíu tít kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện trong lò võ nhỏ của cô và gương mặt cô ánh lên vẻ tự hào khi chỉ cho chúng tôi chiếc đai lam tam đẳng mà cô mang khi thi đấu: "Suốt một năm qua, tôi đã nỗ lực tập luyện để có được chiếc đai này. Nói nỗ lực bởi tôi khá bận rộn với việc học (cô đang là học sinh lớp 8) và mỗi tuần chỉ có hai buổi luyện tập". 


Đồng môn của Kristin Võ là cậu bé 14 tuổi cùng học lớp 8: Jon Fillip. Chú bé này đến với Vovinam vì: "Ban đầu tôi chọn Vovinam vì thấy không khí lớp học của Kristin Võ rất vui. Nhưng càng tập, tôi càng say mê. Môn Vovinam dạy cho bạn rất nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là bản lĩnh và niềm tin khi đối diện với khó khăn". 
Lần đầu tiên đặt chân đến VN, Fillip nói: "Chuyến đi này của tôi không chỉ để tranh tài mà trên hết là chuyến hành hương về nguồn của Vovinam - môn võ mà tôi đang theo học". 
Những nẻo đường về nguồn 
Tâm sự với chúng tôi, nhiều võ sĩ cho biết, họ đã tự bỏ tiền túi cho chuyến hành hương về "chiêm bái tổ" lần này. Kristin Võ và Jon Fillip tham dự giải nhờ chu cấp của cha mẹ. 
Còn Pedro Gonzalez (Tây Ban Nha), một luật sư đang sinh sống tại thành phố Puerto De La Cruz trên đảo Tenerife đã phải dành dụm tiền trong nhiều tháng cho chuyến đi này. Thậm chí một võ sĩ Nga và là một người thợ xây dựng đã tâm sự với chúng tôi, anh đã phải dành dụm tiền suốt hai năm trời mới đủ tiền mua vé máy bay sang VN dự giải và chiêm bái đất tổ. 
Còn nói gì về Vovinam ngoài hai chữ: Tự hào!
DUY BÌNH - NGUYÊN KHÔI
******************************************
Vovinam = teakwondo! Sao không mơ?

Võ sĩ trẻ Francois La trong một thế bay kẹp cổ đặc trưng, đẹp mắt của Vovinam - Ảnh: T.T.D.
TT - Không thể phủ nhận một thực tế là taekwondo đã góp phần đáng kể để thế giới biết nhiều đến Hàn Quốc. Hay tương tự đó là Nhật với judo, karate. 
Vì vậy, nhiều quốc gia đang noi gương đi theo con đường quảng bá văn hóa dân tộc mình thông qua những môn võ đặc thù của mình. 
Ví dụ như Trung Quốc với whusu, Thiếu Lâm tự; Thái Lan với muay Thai, Indonesia với pencak silat, Philippines với anis (võ gậy)... Thế thì tại sao chúng ta lại không nghĩ đến việc giới thiệu VN qua việc khuyếch trương vovinam?
Tổ chức giải thế giới chỉ với... 20 triệu đồng! 
Có thể nói trong lịch sử các kỳ tranh tài thể thao mang tầm vóc thế giới, chưa có giải đấu nào "nghèo" như giải vovinam thế giới mới kết thúc hôm qua 21-7 tại NTĐ Phan Đình Phùng. 
Tổng kinh phí cho giải có gần 100 VĐV quốc tế đến từ 10 nước khác nhau này là 20 triệu đồng nhờ tiền tài trợ vào giờ chót của Công ty sữa Vinamilk. Thậm chí, BTC không đủ tiền mua thảm đấu và phải "mượn" thảm dùng để tổ chức giải taekwondo quốc tế diễn ra ngay sau đó của Liên đoàn Võ thuật thành phố (LĐVT TP)...
Pedro Gonzalez - võ sĩ người Tây Ban Nha đã có hơn 10 năm gắn bó với môn vovinam tâm sự: "Thật tiếc khi vovinam vẫn chưa thể trở thành môn võ được biết nhiều hơn taekwondo hay judo. Ở góc độ chuyên môn, vovinam hội đủ kỹ thuật của các môn võ khác. Nó bao gồm đòn đá của taekwondo, đòn vật của judo, đòn tay của karate. Nói một cách khác, người chơi vovinam sẽ có kỹ thuật của hầu hết những môn võ nổi tiếng khác". 
Tất cả các VĐV tham dự đều phải tự bỏ tiền mua vé máy bay, ăn ở và đi lại. BTC không ủng hộ được họ đồng nào nên phải chọn cách "đáp lễ nghèo" bằng việc sắp xếp dẫn một số đoàn đi tham quan các danh lam thắng cảnh quanh khu vực TP.HCM. 
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Chiếu - chủ tịch Hội Vovinam TP.HCM nói với giọng khá buồn: "Tiền tài trợ của Vinamilk, chúng tôi chỉ đủ dùng để làm huy chương và sử dụng cho một số chi phí nhỏ khác. Vì vậy, chúng tôi đành phải kêu gọi một số anh em đồng môn có khả năng góp thêm tiền tổ chức. Người có nhiều góp nhiều, có ít góp ít. Thú thật, giải kết thúc mà chúng tôi vẫn chưa tìm ra nguồn tiền bồi dưỡng cho trọng tài và những người giúp việc khác...".
Ông Chiếu thừa nhận, giải Vovinam còn non trẻ nên không thể sánh với những giải có bề dày truyền thống khác như giải Taekwondo hay Judo quốc tế. 
Tuy nhiên, ông nói với giọng khá bức xúc: "Ủy ban TDTT chẳng những không ủng hộ chúng tôi được đồng nào mà còn không muốn giải được tổ chức với những lý do thật chẳng thuyết phục chút nào! Tuy nhiên, may mắn là sau đó Sở TDTT TP.HCM đã cân nhắc và quyết định vẫn để cho giải diễn ra đúng như kế hoạch". 

Đại gia đình vovinam thế giới - Ảnh: N.K.

"Cần khuyếch trương hơn nữa thương hiệu vovinam"
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, chủ tịch LĐVT TP Trương Ngọc Để - nhân vật nhiều năm gắn bó với nền võ thuật VN cho rằng, lợi thế lớn nhất là vovinam nhận được sự quan tâm và ủng hộ của rất nhiều người. 
Ông nói: "Việc các võ sĩ tự bỏ tiền về đất tổ VN tham dự giải đã cho thấy họ có tình yêu mãnh liệt với môn võ này. Điều đó cũng cho thấy, tiền không phải là yếu tố quyết định để giúp vovinam phát triển. 
Muốn khuếch trương hơn nữa thương hiệu vovinam VN, chúng ta cần có định hướng và đầu tư xác đáng hơn. Ủy ban TDTT và Sở TDTT TP.HCM cần thể hiện sự quan tâm nhiều hơn. Chẳng hạn như trước mắt, Ủy ban TDTT cần cân nhắc và có quyết định thành lập Liên đoàn Vovinam VN. 
Chỉ khi nào LĐ này ra đời, chúng ta mới có thể thành lập LĐ Vovinam thế giới. Khi bộ máy này được thiết lập, chúng ta sẽ tính tiếp những định phát triển như rải chuyên gia sang các nước, tổ chức lớp học tại VN, Hội thảo về môn võ vovinam". 
DUY BÌNH - NGUYÊN KHÔI
*************************************************************
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Sao không có "quốc võ" VN?

TT - Những bài viết về vovinam của Tuổi Trẻ vừa qua đã được độc giả rất đồng tình. Mọi người đều chung một suy nghĩ: Hàn Quốc có quốc võ là taekwondo, quốc võ của Nhật là judo...; thế tại sao VN lại không có quốc võ, nhất là đối với một dân tộc có truyền thống võ nghệ hào hùng như VN. 
Vì thế, không quá lời khi có đề xuất ngành thể thao VN, nên nghiên cứu việc chọn vovinam làm quốc võ...
>> Vovinam = teakwondo! Sao không mơ?
>> Hành hương về cội nguồn Vovinam
* Thua ngay trên sân nhà!
Tôi rất tâm đắc sau khi đọc bài "Vovinam = taekwondo! Sao không mơ?" hôm qua 22-7 trên Tuổi Trẻ. Võ Việt là một phần trong văn hóa dân tộc VN. Tôi cảm thấy thật buồn khi ngay chính tại sân nhà của mình, vovinam lại "thất bại". 
Thất bại khi các nước theo học thì họ lại tỏ ra nhiệt tình hơn cả chúng ta - chủ nhân, cho xuất bản nhiều tập san chuyên về vovinam để truyền bá rộng rãi khắp nơi trên đất nước họ. Như các võ sĩ Nga mà tôi dạy, tôi có thể cảm nhận được tình yêu và sự đam mê mà họ dành cho vovinam là như thế nào. 
Do không có đủ tiền để có thể sang VN ăn dầm nằm dề học võ như công dân một số nước khác, nhưng họ vẫn tích cóp từng chút để có cơ hội là sẵn sàng sang VN thi đấu và nhân tiện được về thăm đất tổ. Còn chúng ta, tại sao lại chưa sẵn sàng để đưa võ Việt lên một vị trí trang trọng hơn, nhằm qua đó giới thiệu về văn hóa VN ra thế giới?
TRƯƠNG QUANG AN (võ sư chuẩn hồng đai vovinam)
* Bài học từ Hàn Quốc
Tôi không phải là dân làng võ mà chỉ là một công dân bình thường có thời gian dài làm việc tại Hàn Quốc. Theo tôi, nếu muốn có một ngày nào đó môn võ quốc hồn quốc túy của VN được khắp thế giới biết đến, thì trước tiên ngay từ bây giờ chúng ta phải khuếch trương nó thật lớn mạnh ở trong nước. 
Tại đất nước Hàn Quốc, tôi thấy taekwondo đã được đưa vào chương trình học bắt buộc trong nhà trường. Vì vậy, người dân Hàn chẳng ai là không biết đến taekwondo. Thiết nghĩ nếu từ bây giờ chúng ta cũng đưa vovinam vào trường học trong giờ thể dục, ắt sẽ có ích trong việc giáo dục thể chất, rèn nhân cách học sinh và phụ huynh chúng tôi ủng hộ hết mình.
TRẦN HÒA (Trường Chinh, Tân Bình, TP.HCM)
* Thật thú vị với vovinam
Qua Tuổi Trẻ tôi mới biết có giải vô địch thế giới vovinam đang diễn ra tại TP.HCM, và sáng 21-7 tôi đã đi xem. Vừa ngỡ ngàng và cũng hết sức thú vị, tôi không hình dung được các đòn thế của vovinam hấp dẫn như những gì mình đã thấy. 
Nhân đây tôi có ý kiến sau: nếu tôi nhớ không lầm tại SEA Games 1991, Philippines đã tổ chức thi đấu môn anis (võ gậy), và dù không được đưa vào chương trình chính thức nhưng họ cũng tìm cách quảng bá bằng cách tổ chức thi đấu có kỷ niệm chương. 
Bất cứ ai tham dự cũng được đài thọ chi phí ăn ở. Tương tự, tại SEA Games 1995 người Thái cũng làm như thế với muay Thai. Riêng với VN, sao hồi SEA Games 2003 chúng ta không làm như thế với vovinam?
LÊ TRƯỜNG SINH (Trần Hưng Đạo, Q.1)
* Hãy mạnh dạn...
Tôi là một cán bộ ngành thể thao ở bộ môn võ thuật. Theo tôi biết, sở dĩ vovinam không được ngành thể thao mặn mà phát triển là vì trước đây một vài người có trách nhiệm đã ngại ngùng khi nói đến môn này do ở nước ngoài có một số võ sư vovinam không tốt, vận động lập Liên đoàn Vovinam quốc tế với mục đích không lành mạnh. 
Về chuyện này, tôi nghĩ chúng ta nên noi gương Hàn Quốc. Nên nhớ trước đây ông tổ taekwondo là Choi Hong Hi (đã mất) lưu vong sang Canada và sáng lập nên ITF (Liên đoàn Taekwondo quốc tế) nhằm chống lại WTF (Liên đoàn Taekwondo thế giới) được Chính phủ Hàn Quốc ủng hộ. 
Tuy nhiên, đến giờ thì gần cả thế giới chỉ biết đến WTF bởi đó là tổ chức chính thống được Chính phủ Hàn Quốc thừa nhận. Vì vậy, tôi nghĩ đã đến lúc nên có Liên đoàn Vovinam được Chính phủ VN công nhận và khi ấy lo gì một vài nhóm thiếu trong sáng ở bên ngoài.
Một võ sư ở TP.HCM